Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte ra tận xe đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Nhật Bắc)
Việt Nam và Hà Lan tuy cách nhau xa về địa lý, xong lại rất gần gũi, có nhiều nét tương đồng như điều kiện tự nhiên (là quốc gia ven biển, phải đối mặt lũ lụt, ngập mặn, biến đổi khí hậu) và địa chính trị (là cửa ngõ của khu vực).
Hai nước đều coi trọng vai trò sản xuất nông nghiệp, coi đây là trụ đỡ của nền kinh tế; Hà Lan có nhiều thế mạnh trong vấn đề trị thủy; luôn đi đầu trong mục tiêu khí hậu, bảo vệ thiên nhiên và là hình mẫu tốt của thế giới về đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng… Đó là những lĩnh vực vô cùng quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam lúc này. Hai nước đã từng giao thương từ cách đây 400 năm. Ngày nay, Hà Lan là nước Liên minh châu Âu (EU) đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đạt gần 14 tỷ USD.
Chính bởi vậy, chuyến thăm chính thức Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam mang nhiều ý nghĩa lớn lao, được các lãnh đạo, dư luận Hà Lan hết sức trông đợi, kỳ vọng nâng tầm quan hệ vốn đã rất bền chặt này.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023). Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19 và những biến động khó lường của tình hình thế giới hiện nay, hai nước càng nhận thức được phải tăng cường hợp tác chặt chẽ để bổ sung thế mạnh của nhau, đủ sức ứng phó những tác động bên ngoài.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (M.Ru-tơ) đã đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam hết sức trọng thị, thân tình. Tại hội đàm trên tinh thần tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte, lãnh đạo Chính phủ Hà Lan bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ và các khoản vay ưu đãi để giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững, hệ thống logistics, chuyển đổi xanh, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý nước, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp hướng tới sinh thái, hiện đại, thông minh; hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế tuần hoàn; khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh như cảng biển, công nghệ đóng tàu, kết nối logistics, hạ tầng chiến lược; hỗ trợ Việt Nam xây dựng cảng biển, cảng hàng không và trung tâm đổi mới sáng tạo theo mô hình Trung tâm Công nghệ cao Brainport (BIC).
Thủ tướng Mark Rutte hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao những đề xuất của nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam thực hiện hiệu quả những lĩnh vực này.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận được sự ủng hộ hết sức tích cực của Thượng viện và Hạ viện Hà Lan trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Báo giới Hà Lan đã đưa tin đậm nét sự kiện này.
Tạp chí Diplomat của Hà Lan gần đây có bài của TS Mayelinne De Lara với tiêu đề: “Việt Nam-Hà Lan: Những tín hiệu mới của quan hệ toàn diện” điểm lại quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước nhân chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo bài báo, nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp này là nhu cầu bổ sung cho nhau và mong muốn chia sẻ những giá trị chung, sự tương đồng về điều kiện tự nhiên cũng như những thách thức của môi trường, khí hậu. Việc triển khai các thỏa thuận Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (từ năm 2010) và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (từ năm 2014) chiếm một vị trí quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tác giả bài báo nhận định, chuyến thăm này chắc chắn mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước.
Trong chuyến thăm này, Thủ tướng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu các cơ hội hợp tác, kết nối cộng đồng doanh nhân hai nước trong phát triển xanh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đến thăm Trung tâm Công nghệ cao Brainport (BIC) ở thành phố Eindhoven, tỉnh Bắc Brabant, Thủ tướng đã rất ấn tượng mô hình phát triển mới của Hà Lan là Airport (kết nối các sân bay), Seaport (kết nối các cảng biển) và Brainport (kết nối đổi mới sáng tạo, công nghệ cao). BIC đang thực sự dẫn đầu châu Âu về năng lực đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, giáo dục đại học; đây thực sự là “cái nôi” của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nơi được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của châu Âu”.
Thủ tướng đã đề nghị tỉnh Bắc Brabant mở rộng hợp tác với Việt Nam, về quy hoạch, phát triển khu công nghệ cao theo mô hình hợp tác “ba nhà”, gồm Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu; phát triển thành phố thông minh, khoa học công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ sản xuất vi mạch...
Với nỗ lực tăng cường giao lưu, thúc đẩy đầu tư, thương mại hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hà Lan. Tại sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp hai nước hết sức mong chờ này, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher nêu rõ, Việt Nam là nước sản xuất gạo lớn của thế giới nhưng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Rõ ràng, chúng ta phải xanh hóa và thích ứng. Chưa bao giờ, Việt Nam và Hà Lan lại có một cơ hội tốt đẹp như hiện nay để cùng chung tay ứng phó thách thức từ biến đổi khí hậu. Trong khi đó, Phòng Thương mại Hà Lan đánh giá, Việt Nam là “một điểm nhấn” đối với các tập đoàn, doanh nghiệp nước này và cơ quan này đang nỗ lực làm cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Trước đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng, trước đây quan hệ hợp tác hai nước là đối tác phát triển, viện trợ, giúp đỡ..., nhưng nay đã chuyển sang hợp tác bình đẳng cùng phát triển, cùng có lợi, cùng thắng; nêu rõ, quá trình chống biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi xanh, Việt Nam cần nguồn vốn với cách tiếp cận công bằng, công lý; cần công nghệ hiện đại; cách quản trị tiên tiến để giảm chi phí đầu vào, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do đó, Việt Nam mong được Hà Lan hỗ trợ đào tạo trong các lĩnh vực này. Thủ tướng cũng khẳng định mạnh mẽ, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với các doanh nghiệp Hà Lan khi khó khăn; nỗ lực hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn.
Tại cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn lớn của Hà Lan, hai bên đã trao đổi những suy nghĩ, ý kiến thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ những kinh nghiệm tốt, bài học hay, ý tưởng, sáng kiến đột phá, những giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế-đầu tư giữa hai nước.
Thủ tướng đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Hà Lan, đồng thời nêu định hướng phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, trong đó có việc quản lý nguồn nước bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam với bờ biển dài mong muốn hợp tác với Hà Lan trong xây dựng các cảng biển, đưa Việt Nam thành một trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa quốc tế thông qua vận tải biển. Những thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng được các tập đoàn của Hà Lan nhiệt liệt hưởng ứng và đánh giá cao.
Nhiều tập đoàn cam kết mở rộng đầu tư, làm ăn tại Việt Nam, hướng vào những lĩnh vực phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng... như Damen Shipyards Gorinchem cho biết dự kiến đầu tư thêm 100 triệu USD trong lĩnh vực đóng tàu tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống giao thông giảm phát thải carbon, như phà chạy điện.
Thủ tướng cũng hết sức quan tâm tìm hiểu các mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hà Lan để áp dụng vào mô hình phát triển của Việt Nam. Bày tỏ quan điểm với lãnh đạo các tập đoàn của Hà Lan, Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, giúp Việt Nam bảo đảm cân đối lớn về lương thực, thực phẩm, góp phần kiểm soát được lạm phát thời gian qua, đồng thời đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD nông sản năm 2022.
Đến thăm Trung tâm Nhà vườn thế giới (WHC) - tổ hợp điển hình về sự kết nối theo phương thức giữa Chính phủ-cơ sở nghiên cứu-doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, sinh thái, Thủ tướng nêu bật quan điểm, trong hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, Hà Lan có thể giúp Việt Nam về công nghệ chế biến, thị trường, các sản phẩm phù hợp nhu cầu tiêu dùng trên thế giới; Việt Nam có thể giúp Hà Lan về phát triển nguyên liệu; thông qua đó hai bên đều có thể mở rộng thị trường cho nhau.
Quan chức nông nghiệp Hà Lan bày tỏ vui mừng trước việc hai nước tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp để bổ trợ nhau, đồng thời khẳng định rằng, từ “phát triển bền vững” nghe có vẻ “xa xỉ” lúc này, rất khó để làm được nhưng thật sự nếu không bắt tay vào thực hiện thì chúng ta sẽ không bao giờ đạt được sự bền vững. Chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam ngày càng trở nên cạnh tranh, do đó, Hà Lan muốn trở thành một đối tác đồng sáng tạo với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Gửi phản hồi
In bài viết