Ngành nông nghiệp Canada đứng trước nguy cơ thiếu lao động. Ảnh CROPTRACKER
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Recruit Works, Nhật Bản có thể thiếu hơn 10 triệu lao động vào năm 2040, thời điểm những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước sang tuổi 65 hoặc cao hơn. Ngoại trừ thủ đô Tokyo, tất cả các địa phương ở Nhật Bản đều rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động. 18 trong tổng số 47 tỉnh, thành phố ở Nhật Bản có tỷ lệ thiếu hụt lao động ở mức hơn 20%. Tỷ lệ này ở các tỉnh Kyoto, Niigata và Nagano thậm chí ở mức hơn 30%.
Tại Canada, ngành nông nghiệp đối mặt nguy cơ gặp phải cú sốc về thiếu hụt lao động, do đứng trước làn sóng nghỉ hưu của các chủ trang trại.
Nhật Bản có thể thiếu hơn 10 triệu lao động vào năm 2040, thời điểm những người sinh ra trong thời kỳ bùng nổ dân số sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước sang tuổi 65 hoặc cao hơn. |
Theo báo cáo của Viện Hành động khí hậu của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC), trong vòng 10 năm tới, cứ năm người điều hành trang trại ở Canada thì sẽ có hai người nghỉ hưu. Khoảng hai phần ba số nhà sản xuất chưa có kế hoạch về những người điều hành kế nhiệm. Trong khi đó, 66% số nông dân không có kế hoạch tiếp tục gắn bó với nghề, khiến các trang trại, vườn ươm ở Canada sẽ thiếu khoảng 24.000 nhân lực trong 10 năm tới.
Một cuộc khảo sát thực hiện tại Ðức hồi đầu năm 2023 cho thấy, hơn một nửa số công ty ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải chật vật giải bài toán nguồn nhân lực. Ðức từng dựa vào nguồn lao động từ các nước thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU), song nguồn nhân lực này bắt đầu khan hiếm. Viện Nghiên cứu việc làm (IAB) ở Nuremberg của Ðức lý giải rằng, Ðức không còn thu hút lao động từ các nước như trước, do thu nhập ở các quốc gia thành viên khác của EU tăng lên và chính các nước này cũng đang đối mặt tình trạng khó khăn về nguồn lao động.
Trong bối cảnh thiếu lao động trong nước, nguồn cung lao động từ nước ngoài được xem là giải pháp "lấp chỗ trống" hiệu quả. Các nước tích cực cải thiện các quy định trong hệ thống nhập cư để trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với các lao động nước ngoài.
Chính phủ Nhật Bản ngày 21/4 tới sẽ giới thiệu một hệ thống mới, đơn giản hơn để cấp thị thực tay nghề cao cho lao động nước ngoài. Những ứng viên có số điểm vượt mức nhất định theo hệ thống tính điểm dựa trên học vấn, thời gian làm việc, thu nhập, sẽ được cấp thị thực tay nghề cao với thời hạn 5 năm và có thể nhận thị thực với thời gian lưu trú không giới hạn chỉ sau 3 năm.
Canada cho phép các sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp và có giấy phép lao động hết hạn vào năm 2022 và 2023 có thể gia hạn giấy phép thêm 18 tháng. Các sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp đang trở thành lực lượng lao động nhập cư quan trọng ở Canada. Việc nới lỏng quy định cho phép các sinh viên quốc tế sau tốt nghiệp được ở lại làm việc cũng sẽ giúp chính những nhân lực nước ngoài này có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm làm việc tại Canada, qua đó tăng khả năng đáp ứng các điều kiện để có thể nộp hồ sơ trở thành thường trú nhân.
Bộ Lao động Ðức cho biết, một trong những cải cách quan trọng trong dự thảo luật nhập cư mới được công bố ở nước này là nhằm tháo các rào cản đối với người di cư đến Ðức, nhất là với những người đến từ các nước bên ngoài EU. Theo nội dung bản dự thảo, người nước ngoài có thể đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại Ðức, thay vì 8 năm như hiện nay. Những người có nỗ lực đặc biệt để hòa nhập xã hội, như thông thạo tiếng Ðức, sẽ đủ điều kiện nộp đơn sau chỉ 3 năm.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhấn mạnh, lao động nước ngoài là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và phát triển ở cả nước xuất cư và nhập cư. Việc các nước ban hành các chính sách nhập cư thông thoáng hơn góp phần tạo nên các dòng di cư an toàn và có trật tự hơn. Bên cạnh đó, việc quan tâm, bảo vệ toàn diện và hiệu quả các quyền cơ bản của người nhập cư cũng phải được nêu cao như nghĩa vụ đạo đức và pháp lý trong vấn đề thu hút các lao động từ nước ngoài.
Gửi phản hồi
In bài viết