Phái đoàn Nga và Mỹ trong phiên họp mở rộng tại Geneve (Thụy Sĩ).
Sau hơn 3 tiếng hội đàm, Nga và Mỹ đã ra Tuyên bố chung của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden về ổn định chiến lược. Nội dung Tuyên bố chung khẳng định Nga và Mỹ đã chứng minh rằng, ngay cả ở thời điểm căng thẳng, hai bên vẫn có thể đạt được tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu chung về lĩnh vực chiến lược, giảm thiểu rủi ro xung đột vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Để đạt được những mục tiêu này, Nga và Mỹ sẽ sớm khởi động một cuộc đối thoại song phương toàn diện, thực chất và năng động về ổn định chiến lược. Thông qua đó, hai nước mong muốn tạo nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong tương lai.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ J.Biden thể hiện sự lạc quan về kết quả đạt được cũng như tin tưởng vào triển vọng cải thiện quan hệ giữa hai nước. Theo ông chủ Nhà Trắng, những tháng sắp tới sẽ là một "phép thử" đối với kết quả cuộc gặp lần này. Lãnh đạo hai nước đã nhất trí về việc Đại sứ Nga và Mỹ trở lại nhiệm sở và hai nước sớm xúc tiến các cuộc tham vấn ngoại giao.
Trong khi đó, Tổng thống Nga V.Putin đánh giá, buổi hội đàm diễn ra trên tinh thần xây dựng, trong đó hai bên thể hiện thiện chí, mong muốn hiểu biết lẫn nhau. Thời gian tới, hai nước sẽ tiến hành tham vấn nhiều vấn đề, trong đó có lĩnh vực an ninh mạng, kiểm soát vũ khí... Tổng thống V.Putin khẳng định, vấn đề ổn định hạt nhân chiến lược là trách nhiệm chung của cả Nga và Mỹ. Hai nước sẽ nghiên cứu để điều chỉnh Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (NEW START), vừa được gia hạn đầu năm nay.
Trong vòng 2 thập kỷ qua, quan hệ Nga - Mỹ không ít lần phải đối mặt với sóng gió do các bất đồng liên quan tới xung đột tại miền Đông Ukraine, những cáo buộc về việc Mátxcơva can thiệp bầu cử ở Mỹ, tình hình chiến sự ở Syria. Tuy nhiên, hai bên vẫn nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ song phương. Nói một cách khác, Nga và Mỹ khó có khả năng đóng hoàn toàn cánh cửa hợp tác mà sẽ để ngỏ cho những vấn đề về lợi ích mà cả hai đều cho rằng duy trì sự tương tác là cần thiết như: Kiểm soát vũ khí, ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, ứng phó với dịch bệnh... Thực tế chứng minh, những vấn đề “nóng” của thế giới như hồ sơ hạt nhân Iran, xung đột Trung Đông, căng thẳng tại Ukraine... đều được giải quyết với sự tham gia của cả Nga và Mỹ.
Các nhà bình luận cho rằng, trong một thế giới toàn cầu hóa, Nga và Mỹ hay các nước khác đều có sự ràng buộc nhất định cả về chính trị, an ninh, kinh tế. Những thách thức mới và những biến động khó lường trong đời sống chính trị quốc tế càng khiến các bên, ở một chừng mực nào đó cần phụ thuộc lẫn nhau. Trong nhiều vấn đề, Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy đối thoại với Nga và ngược lại. Dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm nay là một ví dụ cho thấy, khó có quốc gia nào, dù mạnh tới đâu lại có thể một mình đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu.
Dù Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Mỹ chưa thể ngay lập tức cải thiện được mối quan hệ giữa Washington và Mátxcơva, song với tinh thần chung của cuộc gặp là thẳng thắn, xây dựng, đặt nền tảng cho các cuộc đối thoại chiến lược, rộng mở cơ hội để hóa giải những bất đồng trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết