Cựu lục địa đối mặt làn sóng Covid-19 mới

Nhiều nước châu Âu đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 quay trở lại khi số ca mắc mới hằng ngày liên tục tăng trong vòng một tuần qua. Các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do các quyết định nới lỏng giãn cách xã hội sớm, miễn dịch sau tiêm vắc xin suy yếu và sự xuất hiện của biến chủng Omicron BA.2, hay còn gọi là “Omicron tàng hình”.

Số bệnh nhân mắc Covid-19 tại châu Âu tăng mạnh trở lại trong một tuần qua.

Tại Pháp, số trường hợp mắc Covid-19 mới tăng gấp ba lần trong vòng ba tuần, kể từ khi Chính phủ chấm dứt các quy định phòng dịch. Còn ở các bang của Đức, dù số ca nhiễm đạt hơn 268.000 ca trong ngày 23-3, Chính phủ vẫn cho phép gỡ bỏ các lệnh hạn chế. Trong khi đó, giới chức Italia thông báo sẽ chấm dứt các quy định chống dịch kể từ ngày 1-5, dù số ca nhiễm tăng cao. Tỷ lệ lây nhiễm ở Anh hiện là 1/20 người, song chính phủ nước này vẫn quyết định loại bỏ hạn chế du lịch, từ ngày 19-3 vừa qua.

Ông Lawrence Young, một nhà vi rút học tại Đại học Warwick của Anh cho biết, trong bối cảnh biến chủng Omicron BA.2 đang lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc loại bỏ các hạn chế đã khiến các ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh và cũng có thể dẫn đến sự ra đời của các biến chủng khác. Theo ông Lawrence Young, sở dĩ gọi là "Omicron tàng hình" vì chủng vi rút này khó phát hiện hơn và có khả năng lây lan cao hơn khoảng 30% so với phiên bản BA.1.

Trước thực trạng này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, các biến chủng mới có nhiều khả năng còn xuất hiện nếu các quốc gia tiếp tục nới lỏng biện pháp kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh mật độ bao phủ vắc xin tại nhiều nước nghèo vẫn chưa đạt tới mức độ cần thiết.

Phát biểu tại một cuộc họp báo mới đây tại Moldova, Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge cho biết, Covid-19 đang gia tăng ở 18 trong số 53 quốc gia trong khu vực, đáng chú ý là ở Anh, Ireland, Hy Lạp, Síp, Pháp, Italia và Đức. Việc dỡ bỏ nhanh chóng các hạn chế là nguyên nhân khiến số ca mắc mới, vốn đã giảm mạnh trong tháng 2, tăng trở lại từ đầu tháng 3-2022. Chỉ trong vòng một tuần qua, châu Âu đã có hơn 5,1 triệu trường hợp mắc mới và 12.496 ca tử vong. Tính tổng thể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020, Cựu lục địa đã ghi nhận gần 172 triệu người mắc Covid-19 và số bệnh nhân tử vong lên đến hơn 1,75 triệu người.

Để tăng cường khả năng miễn dịch đang suy yếu, một số quốc gia như Pháp đã bắt đầu tiêm liều vắc xin phòng Covid-19 thứ 4 cho người dân. Anh cũng đã đưa ra kế hoạch tiêm mũi thứ 4 cho người trên 75 tuổi kể từ tuần này. Các nhà khoa học cho rằng, ngoài việc ngăn chặn nguy cơ bệnh sẽ tiến triển nặng, việc tiêm mũi vắc xin tăng cường cũng để đề phòng vi rút SARS-CoV-2 sẽ có thêm biến chủng mới, có thể vào mùa thu tới - thời điểm thời tiết bắt đầu trở lạnh, tạo môi trường thuận lợi cho dịch bệnh lây lan.

Theo nghiên cứu của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), những người đã tái nhiễm nhiều lần có thể đã nhiễm các biến chủng khác nhau của vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, ngay cả khi vi rút ngừng biến đổi, khả năng miễn dịch đối với các bệnh lây nhiễm qua đường mũi và họng cũng không tồn tại lâu dài, nên nhiều người có khả năng tái nhiễm theo chu kỳ 2 năm một lần hoặc lâu hơn. Khả năng miễn dịch của người đã tiêm 2 mũi vắc xin sau 6 tháng chỉ còn 30-35% trước biến chủng Omicron BA.2, so với 70-85% trước biến chủng Delta.

Omicron BA.2 chỉ là một biến chủng mới giống như những biến chủng khác gây ra các làn sóng dịch bệnh trong một đại dịch có thể còn kéo dài. Theo dự báo của nhiều nhà miễn dịch học, Omicron có thể có tới 50 đột biến. Với khả năng lây lan rất nhanh và linh hoạt hơn rất nhiều so với những gì từng được biết, các quốc gia phải cảnh giác hơn trước khả năng biến đổi tiếp theo của vi rút này.

Theo B

Tin cùng chuyên mục