Từ ngày 1-3, nhiều bệnh viện tuyến trung ương đã tạm ngưng mổ phiên, có khoa trên lịch mổ gần 20 ca nhưng chỉ 6 ca được duyệt. Một số bệnh viện lớn khác có máy chụp cắt lớp vi tính nhưng phải chỉ định chuyển bệnh nhân qua bệnh viện khác. Có bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vào bệnh viện công cấp cứu nhưng phải mang mẫu máu sang bệnh viện tư xét nghiệm vì bệnh viện hết hóa chất xét nghiệm...
Nhân dân bức xúc vì thấy các bệnh viện tư nhân vẫn hoạt động bình thường mà bệnh viện công hàng đầu lại bế tắc. Được biết, vướng mắc hiện nay là hầu hết thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu.... đều không có đủ ba báo giá theo quy định trong thông tư 68/2022 để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023 diễn ra ngày cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thiện dự thảo về quản lý trang thiết bị y tế, giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan tập trung xử lý triệt để, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu để để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời cần sớm hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế.
Rất mừng là ngay sau đó 1 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP tháo gỡ các ách tắc về thuốc, trang thiết bị y tế. Đây là chỉ đạo quan trọng gỡ khó cho các bệnh viện cũng như bao người bệnh.
Mới càng thấm thía, chính sách phải phù hợp với thực tế. Nếu chính sách gây khó khăn thì phải nhanh chóng tìm hiểu có nên tiếp tục hay bỏ. Không nên lấy sinh mạng của người bệnh để chờ đợi chính sách.
Thầy thuốc và người bệnh đều đang cần thuốc và vật tư y tế. Cần xem tính mạng của dân là trên hết, cứu người như cứu hỏa.
Gửi phản hồi
In bài viết