Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh trao tặng xe lăn cho người khuyết tật xã Yên Phú (Hàm Yên).
Gia đình anh Trần Văn Hiền và chị Nguyễn Thị Liên, thôn Tân Biên 1, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) có con gái Trần Thị Thanh bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Anh Hiền cho biết, gia đình có 1 sào ruộng, ai thuê gì làm đấy nhưng vẫn không đủ để mưu sinh qua ngày. Năm 2018, khi Đề án sinh kế hỗ trợ người khuyết tật được triển khai tại xã, chính quyền địa phương đã ưu tiên hỗ trợ cho gia đình anh Hiền vay 10 triệu đồng không lãi suất để phát triển kinh tế. Hai vợ chồng anh đã bàn bạc, phát triển kinh tế gia đình theo mô hình chăn nuôi bò và lợn. Hiện nay, gia đình anh đã có 3 con bò và 5 con lợn thịt. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi khoa học, nên đàn bò và lợn của gia đình phát triển tốt, tạo nguồn sinh kế bền vững, giúp gia đình anh yên tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.
Năm 2022, chị Ma Thị Kiều, thôn Toa, xã Minh Thanh (Sơn Dương) được hỗ trợ 3 triệu đồng từ Đề án. Cùng với sự giúp đỡ của gia đình, anh em trong dòng họ, chị Kiều mua một con trâu sinh sản trị giá 25 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt nên trâu của chị sinh trưởng, phát triển tốt và đã sinh sản. Chị Kiều chia sẻ, nếu không có nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thì những người yếu thế như chị không biết đến bao giờ mới có thể ổn định cuộc sống.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 32 nghìn người khuyết tật, trẻ mồ côi, chiếm 1,71% dân số toàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh cho biết, thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, từ năm 2016 đến nay, có trên 2.700 đối tượng khuyết tật, trẻ mồ côi được nhận xe lăn, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội... với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Đây là Đề án mang ý nghĩa nhân văn, tạo cơ hội cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.
Năm 2022, xã Yên Phú (Hàm Yên) đã triển khai Đề án hỗ trợ 180 người khuyết tật, trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn về sức khỏe, sinh hoạt, sinh kế trên địa bàn xã. Qua 1 năm thực hiện, đề án đã nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn xã, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đề án đã trao tặng 12 xe lăn cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn; trao vốn hỗ trợ phát triển kinh tế cho 5 hộ khuyết tật nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây dựng 5 công trình vệ sinh; tổ chức khám cho 180 đối tượng người khuyết tật... kinh phí trên 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Quang Khải, thôn Làng Chiềng, xã Yên Phú bị khuyết tật vận động vừa được trao tặng chiếc xe lăn để dễ dàng đi lại. Anh nói, mình sinh ra bình thường như bao người nhưng không may bị bệnh sốt bại liệt, căn bệnh để lại di chứng trên đôi chân, từ đó đi lại khó khăn khiến anh bị mặc cảm với nhiều người. Nhưng từ khi được tặng xe lăn anh phấn khởi lắm, nó giúp anh di chuyển dễ hơn, tự chăm sóc bản thân, cũng hộ gia đình được việc nhà. Anh sẽ cố gắng lao động tốt để không phụ sự quan tâm của các nhà hảo tâm.
Đề án còn phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 500 người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 264 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa (Hàm Yên) khuyết tật vận động nói, chị rất cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Hội đến những người kém may mắn như chị. Ngoài sự giúp đỡ hỗ trợ về kinh tế, chị còn thường xuyên được các y bác sỹ, đến tận nhà thăm khám sức khỏe, phát thuốc miễn phí.
Những hoạt động cụ thể của Đề án đã góp phần đem lại hiệu quả thiết thực đối với bản thân người khuyết tật, trẻ mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể về người khuyết tật, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Trong năm 2023, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh tiếp tục triển khai Đề án tại xã Thanh Tương (Na Hang) và xã Thượng Lâm (Lâm Bình).
Gửi phản hồi
In bài viết