Câu hỏi: Tôi vừa khỏi bệnh Covid-19 cách đây một tuần và đã tiêm xong 2 mũi từ tháng 10. Vậy tôi có cần tiêm vaccine mũi 3 không?
Trả lời: Ngày 17/12, Bộ Y tế có văn bản gửi các đơn vị về việc tiêm mũi bổ sung và liều nhắc lại. Theo đó, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh Covid-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19.
Theo đó, bảo đảm hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Việc tiêm liều nhắc lại cũng được áp dụng với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Bộ Y tế hướng dẫn nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA.
Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine Covid-19 khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA.
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine véc-tơ virus (vaccine AstraZeneca)
Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.
Đối với những người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định.
Đặc biệt, khoảng cách tối thiểu giữa mũi nhắc lại và mũi cuối cùng của liều cơ bản đã được rút ngắn còn 3 tháng thay vì 6 tháng như trước đây.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), khi biến chủng Omicron bắt đầu phổ biến trên khắp thế giới, tất cả người trưởng thành trên 18 tuổi nên tiêm mũi nhắc lại ngay khi đủ điều kiện. Điều này cũng cần thiết ngay cả khi bạn bị mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ liều, hay còn gọi là nhiễm trùng đột phá.
Gửi phản hồi
In bài viết