Vạn Niên Phong Cung là điểm tín ngưỡng tôn giáo của người Hoa tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Những ngày qua, không khí lễ hội lan tỏa khắp các tuyến đường với nhiều hoạt động phong phú như: các nghi lễ tôn giáo, diễu hành, các buổi lễ cầu an và các hoạt động thể thao, văn nghệ.
Vạn Niên Phong Cung hay còn gọi là chùa ông Bổn 3 tại khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè là nơi mà hàng nghìn người dân, du khách đã đổ về tạo nên một bầu không khí sôi động, náo nhiệt. Tiếng trống, tiếng chiêng vang lên khắp không gian kết hợp với tiếng cầu kinh và lời chúc phúc, tạo nên một không gian linh thiêng nhưng đầy ấm cúng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các khu vực diễn ra nghi lễ, người dân địa phương và du khách cùng nhau thực hiện các nghi thức tâm linh với niềm tin sâu sắc vào sự an lành và may mắn.
Ông Phó Chương, Phó trưởng Ban Trị sự Vạn Niên Phong Cung, cho biết, năm nào cũng vậy, có từ 20.000-30.000 người từ khắp nơi về đây tham quan, chiêm bái. Do có niềm tin và mục tiêu chung, hoạt động tín ngưỡng Vu lan Thắng hội giúp mọi người nâng cao đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Các hoạt động lễ hội còn giáo dục con người về nhân nghĩa, hiếu hòa, trọng đạo đức, lễ nghĩa, thờ kính tổ tiên… Trong quá trình diễn ra lễ hội, tất cả những phần lễ đều nghiêm ngặt về nghi tiết, trang trọng về nghi thức, đan xen cân đối, hài hòa giữa lễ và hội đã tạo nên giá trị đặc sắc riêng và sức sống bền bỉ trong ký ức cộng đồng.
Năm nào cũng vậy, gia đình chị Huỳnh Thị Mộng Trinh ở xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đều đến rất sớm để cùng các thành viên trong chùa chuẩn bị đồ cúng, dọn dẹp sạch sẽ các khu vực để tiếp đón các vị khách phương xa về đây.
“Tôi đi lễ cúng ông Bổn cũng 10 năm, thường thì cùng cô, bác, anh chị em ở đây làm công đức cũng như tham gia cầu an cho mọi người và gia đình”, chị Trinh nói.
Theo thông lệ, tuần lễ cúng ông Bổn tại thị trấn Cầu Kè diễn ra từ ngày 25 đến ngày 28, tháng 7 Âm lịch mà người dân huyện Cầu Kè hay nhắc nhau qua câu thiệu: “Hai lăm vào đám, hai tám ra giàn”.
Trong 4 ngày lễ hội có đến 20 lễ thức liên tục trong một kịch bản rất chặt chẽ, cụ thể, như: Lễ thỉnh chư Phật, chư thần thánh; lễ thỉnh kinh-đánh động; lễ hưng tác; lễ trình tổ, khai Chung-Cổ; lễ khai quang; lễ cầu quốc thái dân an;…
Trong đó, quan trọng và đông vui nhất là lễ thỉnh chư Phật - chư thần thánh và lễ thỉnh kinh-đánh động thu hút hàng ngàn người dân địa phương cùng khách thập phương tham dự.
Điểm nhấn của tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 còn có hoạt động tặng quà cho người nghèo. Hàng trăm phần quà đã được chuẩn bị và trao tặng đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực.
Giữa không khí ấm áp và tình người của lễ hội, đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người dân huyện Cầu Kè. Nhiều cụ già, trẻ em khi nhận được quà đã không giấu nổi niềm xúc động và lòng biết ơn. Đây cũng là dịp để cộng đồng cùng nhau chia sẻ, đồng cảm và lan tỏa yêu thương, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó.
“Bắt đầu sáng 25 tháng 7 âm lịch, chúng tôi chuẩn bị các phần cơm chay với nhiều món khác nhau để mời các vị khách khắp nơi trong và ngoài huyện đến với chùa. Từ sáng sớm đến chiều tối, thức ăn luôn có sẵn và liên tục đến hết tuần lễ”, ông Phó Chương chia sẻ.
Tuần lễ Vu lan Thắng hội của đồng bào Hoa huyện Cầu Kè được “nuôi dưỡng” từ thế hệ trước truyền cho thế hệ tiếp theo với những quy chuẩn, khuôn mẫu mang giá trị tâm linh đặc sắc tác động nhiều mặt trong đời sống xã hội. Việc gìn giữ phong tục này giúp người dân nâng cao ý thức "uống nước nhờ nguồn" và xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Tuần lễ Vu lan Thắng hội được tổ chức lồng ghép với sự kiện Festival "100 năm dừa sáp Trà Vinh" diễn ra diễn ra trong tháng 7 Âm lịch tại các địa điểm tín ngưỡng tôn giáo của người Hoa trên địa bàn huyện Cầu Kè, như: Vạn Ứng Phong Cung, ấp Giồng Lớn, xã Hoà Ân; Niên Phong Cung, ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi; Minh Đức Cung, ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân; Vạn Niên Phong Cung, khóm 1, thị trấn Cầu Kè...
Gửi phản hồi
In bài viết