Nghề dệt lanh
Nghề dệt lanh của người H’Mông đã hình thành từ nhiều đời nay và phát triển tại 4 huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh. Phụ nữ H’Mông từ nhỏ đã được học các công đoạn, từ trồng, thu hoạch, tách vỏ đến se sợi, dệt vải, nhuộm chàm, thêu để may váy, áo, khăn, vỏ gối… cho các thành viên trong gia đình. Nhờ sự cần cù, tỉ mỉ, sản phẩm dệt lanh không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn chứa đựng bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào H’Mông.
Nghề làm khèn
Nếu như phụ nữ giỏi trồng lanh, dệt vải thì đàn ông lại giỏi làm khèn - loại nhạc cụ gắn bó sâu sắc với đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào H’Mông ở Hà Giang. Đây là phương tiện giao tiếp giữa con người với thế giới tâm linh, giữa các đôi trai gái trong những dịp lễ hội.
Nghề làm khèn ở Hà Giang phát triển chủ yếu tại các xã Hố Quáng Phìn, Sủng Trái, Vần Chải (huyện Đồng Văn) với những kỹ thuật chế tạo công phu, đòi hỏi tính chính xác, sự khéo léo, tỉ mỉ và khả năng cảm nhận âm nhạc của người làm.
Khèn H’Mông gồm 6 ống trúc gắn trên bầu khèn (hộp cộng hưởng) làm bằng gỗ. Các ống này được ghép theo thứ tự từ nhỏ đến lớn, mỗi ống có một lá đồng mỏng (lưỡi gà) để tạo âm thanh. Ngoài ra, người thợ còn phải căn chỉnh âm thanh, mài bóng, trang trí… để hoàn thiện chiếc khèn.
Nghề chạm bạc
Nghề chạm bạc ở Hà Giang xuất hiện cách đây hàng trăm năm, với các kỹ năng độc đáo để chế tác trang sức, đồ trang trí trang phục cùng các vật dụng bằng bạc phục vụ đời sống của đồng bào dân tộc Dao, H’Mông, Lô Lô, Bố Y… Đặc sắc hơn cả phải kể đến nghề chạm bạc của đồng bào Dao bởi kỹ thuật chạm khắc độc đáo, tạo nên những hoa văn tinh xảo cùng độ tương phản sáng - tối giúp sản phẩm có chiều sâu và trở nên khác biệt.
Nghề làm giấy bản
Nghề làm giấy bản của người Dao xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XX, với phần lớn hộ làm nghề tập trung tại thị trấn Việt Quang (huyện Bắc Quang). Giấy bản thường được dùng để viết sớ, làm bùa, in sách dùng trong lễ cấp sắc, lễ cầu an, ma chay, cưới hỏi… Nguyên liệu chính để làm giấy bản là cây vầu non và dây leo có sẵn trong tự nhiên. Để làm giấy bản phải trải qua các khâu: Ủ vôi, tráng, phơi, bóc tách… Nhờ vậy, mặc dù giấy bản rất mỏng nhưng có độ bền, dai hơn so với các loại giấy thông thường.
Gửi phản hồi
In bài viết