Trò thi kéo song ở thị trấn Hương Canh (huyện Bình Xuyên).
Bình Xuyên là vùng đất cổ, lưu giữ nhiều di tích từ thời tiền - sơ sử. Cách ngày nay khoảng 4.000 năm, tại đây, người Việt cổ đã khai phá đất đai, trồng lúa, đánh cá, làm gốm, làm gạch. Các nghề gốm Hương Canh, gạch Quất Lưu, mộc Thanh Lãng còn lưu truyền đến tận hôm nay.
Bình Xuyên còn là chiến địa chống giặc ngoại xâm trong suốt thời kỳ phong kiến, lưu dấu tích của Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, các trận đánh với quân Nguyên Mông. Nhiều tên đất, tên làng nhắc nhở những chiến công của cha ông như cánh đồng Bình Lệ, Bãi Trận ở Hương Canh.
Dòng chảy lịch sử ấy hình thành nên những trò chơi, trò diễn dân gian với mục đích tìm người tài giỏi giúp nước, tuyển mộ, huấn luyện binh sĩ, thi tài và cổ vũ, động viên tinh thần quân và dân.
Phụ nữ Sán Dìu ở xã Trung Mỹ thi gói bánh chưng gù.
Xã Quất Lưu và thị trấn Thanh Lãng nổi tiếng với môn đấu vật. Ông Ngô Văn Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quất Lưu kể lại, thời trước, xã có rất nhiều đô vật, tiếng tăm lững lẫy cả vùng. Thỉnh thoảng, lại có người nơi khác đến thách đấu, giao lưu. Đến nay, môn đấu vật được tổ chức vào dịp hội làng, cùng với các trò khác như bịt mắt đập niêu, bắt vịt.
Giải vật hàng năm của hội đền Xuân Lãng (thị trấn Thanh Lãng) kéo dài 4 ngày, có cả vật nam, vật nữ, mời các xới vật toàn tỉnh về giao lưu. Khi trao giải xong sẽ tổ chức tế tạ, trình diễn keo vật thờ: 16 đô vật mặc trang phục màu trắng, đai đỏ, đứng trên vai nhau xoay đi xoay lại 3 vòng.
Hội vật đền Xuân Lãng thu hút nhiều đội tham gia, kinh phí đều do người dân tự đóng góp. Người dân Thanh Lãng mong có một sới vật tiêu chuẩn để duy trì môn vật cổ truyền.
Thị trấn Thanh Lãng còn duy trì nhiều trò chơi dân gian. Cụ Nguyễn Văn Be, Trưởng ban quản lý di tích đền Xuân Lãng cho biết: Trung tuần tháng 5, thôn tế lễ xong thì mở tiệc gieo bòng (bưởi), thanh niên chưa vợ tranh cướp bòng để lấy may, đuổi nhau ra tận ngoài đồng. Sau tế lễ đầu xuân năm mới, thôn tổ chức các trò bịt mắt bắt dê, đánh vợt, đập nồi. Ngày trước còn tổ chức cả trò đi cầu phao ở ao làng, dân nô nức đến xem rất vui.
Huyện Bình Xuyên có 203 di tích, trong đó có 56 di tích được xếp hạng, gồm 12 di tích cấp quốc gia, 44 di tích cấp tỉnh. Cụm đình Hương Canh được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Có 47 di tích có tổ chức lễ hội, phần hội có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian.
Thị trấn Hương Canh nổi tiếng với trò kéo song, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dân làng chọn mua dây song to bằng cổ tay, phải đặt trên vùng cao mới có, giá khoảng 40-50 triệu một dây. Khi mua về còn phải ngâm nước cả tháng cho dây mềm dẻo và chuốt cho trơn tru. Dây song được luồn qua một chiếc cột lim chôn xuống đất, người chơi ngồi ghép đôi trong một cái hố đào chéo hình bậc thang để tăng lực kéo. Trò này hàng năm được tổ chức rất sôi nổi.
Cụ Nguyễn Hữu Ngọ, 82 tuổi, trú ở thôn Tiên Hường, thị trấn Hương Canh cho biết, từ xa xưa, người dân khu vực Hương Canh đã biết sản xuất, buôn bán, có của ăn của để, nhờ đó người dân có điều kiện tổ chức nhiều lễ hội, trò chơi. Hồi nhỏ, cụ Ngọ được tham gia các trò chơi đánh đòn, đánh đạp, bơi chải, đi cầu phao, bắt vịt, bắt lợn rất vui.
Do thời thế thay đổi, nhiều trò chơi không được tổ chức nữa, chẳng hạn như trò đánh đòn. Thanh niên trai tráng Hương Canh mặc áo the, khăn xếp chia làm 2 phe, dùng sào cái và sào con làm từ thân cây tre đực già để vụt đối phương. Trò này luyện tập chiến đấu, dễ gây thương tích, nay làng không tổ chức nữa.
Bình Xuyên còn nhiều trò chơi mang tính giải trí như trò nấu cơm thi, cướp cầu. Đặc biệt, thôn Núi (xã Quất Lưu) có trò chồng hạc, đánh gậy và vật dẹp đất là những nghi thức trong buổi khai mạc cuộc thi đấu vật. Người Sán Dìu ở xã Trung Mỹ vẫn duy trì trò đánh cầu, đi cà kheo và những điệu múa truyền thống.
Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bình Xuyên Phạm Thị Thu Huyền cho hay: “Huyện đã sưu tầm, tài liệu hóa các di sản văn hóa của vùng đất Bình Xuyên, trong đó có các trò chơi, trò diễn dân gian. Hầu hết các di tích văn hóa đã được đầu tư trùng tu và tôn tạo”.
Học sinh Trường tiểu học Tam Hợp say sưa chơi trò Ô ăn quan.
Các xã, thị trấn, các thôn, làng tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, trong đó trò chơi dân gian là một phần quan trọng của lễ hội, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đáng chú ý, nhiều lễ hội, trò chơi do người dân tự đóng góp kinh phí tổ chức hoặc do Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Trong các trường học, bắt đầu từ năm học 2022-2023, có 23 trò chơi dân gian được đưa vào hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp và các ngày lễ, kỷ niệm. Các em học sinh rất thích thú với những trò chơi truyền thống như: Ô ăn quan, chim bay cò bay, ném vòng cổ chai, đua thuyền trên cạn, khiêng kiệu, trốn tìm, đếm sao, chơi chuyền, cướp cờ…
Ở nhiều trường, thầy, cô giáo vừa là người phổ biến cách chơi, luật chơi, vừa là người tổ chức trò chơi vào giữa giờ, giúp các em hào hứng học tập. Việc tổ chức trò chơi dân gian phù hợp với mọi độ tuổi học sinh, không tốn kinh phí và dễ thực hiện.
Ngày nay, tại vùng đất công nghiệp Bình Xuyên, nhiều thôn, làng vẫn giữ được nét xưa, nhiều phong tục, tập quán vẫn được gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ sau. Du khách đến Bình Xuyên sẽ bất ngờ khi khám phá chiều sâu văn hóa của vùng đất này.
Gửi phản hồi
In bài viết