Các món ăn địa phương chủ yếu là cá, gà, thịt lợn, thường ăn kèm với khoai tây. Vì có ảnh hưởng từ Hungary, món ăn tại Burgenland thường cay hơn so với những nơi khác ở Áo.
Vào Ngày Thánh Martin ngày 11-11, món ngỗng nhồi được chế biến như một món ăn truyền thống trên khắp nước Áo, và món ăn này ở vùng Bur-genland được đánh giá là có hương vị đặc biệt. Có rất nhiều truyền thuyết xung quanh nguồn gốc của món ngỗng nhồi Martinigansl nhưng phổ biến nhất là câu chuyện về Thánh Martin ở trong chuồng ngỗng.
Truyền thuyết kể rằng, Martin sinh năm 316 và phục vụ hoàng đế La Mã với tư cách là một sĩ quan. Vì niềm tin sâu sắc, ông đã từ chức sĩ quan và sau đó được bổ nhiệm làm giám mục. Martin khiêm tốn khi cho rằng mình không đủ xứng đáng để đảm nhận chức vụ cao cả ấy nên đã ẩn mình trong chuồng ngỗng. Nhưng, không chịu được tiếng ồn ào của bầy ngỗng nên ông đã rời khỏi đó và trở thành giám mục. Vào thời phong kiến, một con ngỗng cũng là một món quà phổ biến được tặng vào dịp Ngày Thánh Martin. Dù sự thật là gì thì Martinigansl vẫn là một trong những món ăn phổ biến nhất trong các ngày lễ kể từ đó và nằm ngay đầu thực đơn của người Vienna vào Ngày Thánh Martin.
Món Martinigansl hiện nay có nhiều biến thể, nhưng phổ biến nhất vẫn là ngỗng nhồi hạt dẻ và mận khô rồi nướng chín, sau đó rưới nước xốt lên trên. Vì là món ăn truyền thống vào dịp đặc biệt nên công thức làm món ngỗng nhồi khá cầu kỳ. Ngỗng, sau khi sơ chế sẽ được ướp với hỗn hợp hành tây, táo, cam băm nhỏ cùng muối, hạt tiêu rồi đưa vào lò nướng chậm. Để hoàn thành món ăn này, người đầu bếp cần phải làm thêm món bắp cải đỏ ăn kèm. Bắp cải đỏ được nấu kèm nhiều nguyên liệu khác như caramen đường cùng với đinh hương, thanh quế, lá nguyệt quế, quả bách xù, sau đó được kết hợp với nước táo, rượu vang đỏ và nước cam... để tạo thành một loại rau ăn kèm và nước xốt có hương vị đặc trưng. Món Martinigansl, theo truyền thống, được ăn kèm với bắp cải đỏ, khoai tây hoặc bánh bao.
Gửi phản hồi
In bài viết