Đại biểu Âu Thị Mai thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đại biểu nhấn mạnh, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Đại biểu cho rằng, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Nguồn lực thực hiện chương trình còn dàn trải, manh mún. Các mô hình sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ nhưng hiệu quả kết nối sản xuất với tiêu thụ, phát triển theo chuỗi giá trị còn hạn chế… Đại biểu bày tỏ thống nhất cao với việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2026.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành cần có giải pháp căn cơ, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của người dân như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đây là điều kiện tiên quyết trong công tác giảm nghèo bền vững. Theo thống kê hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 58 nghìn hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, trên 300 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt.
Chính phủ, các bộ, ngành cần tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ có điều kiện, chỉ hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội như giáo dục, y tế, còn các chính sách khác nên hỗ trợ bằng hình thức cho vay ưu đãi. Đại biểu mong muốn Chính phủ tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian cho vay đối với một số loại hình sản xuất có chu kỳ như: chăn nuôi trâu, bò, trồng rừng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn.
Trung ương cần tiếp tục dành nhiều nguồn lực để đầu tư cho các tỉnh miền núi. Trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng kết nối giao thông, kết nối vùng, liên vùng và kết nối các tỉnh miền núi, các huyện nghèo trong vùng. Đầu tư hạ tầng điện lưới quốc gia, các công trình dự báo và cảnh báo thiên tai. Trung ương cũng cần bố trí nguồn lực, sớm hoàn thành, sắp xếp và bố trí lại dân cư, di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhằm hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai đến đời sống nhân dân.
Đại biểu cũng đề nghị Trung ương có chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương quản lý, phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn nước, phát triển kinh tế - xã hội, để người dân sống được bằng nghề rừng, làm giàu từ rừng. Đại biểu cũng mong muốn sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương, các bộ, ngành cần sớm có hướng dẫn thực hiện hiệu quả lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Gửi phản hồi
In bài viết