Đại biểu Ma Thị Thúy thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

- Chiều 10-11, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận góp ý vào dự thảo luật.

 Đại biểu Ma Thị Thúy phát biểu thảo luận tại hội trường.

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Ma Thị Thúy bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khắc phục những vướng mắc bất cập trong thực tiễn gần 12 năm thi hành.

Đại biểu đề nghị tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, ban soạn thảo bổ sung từ “tổ chức” vào sau cụm từ cá nhân được quy định tại khoản 1 của dự thảo luật. Đại biểu nhấn mạnh, “người tiêu dùng” không chỉ là một cá nhân mà còn có tổ chức, hộ gia đình đều có thể trở thành người tiêu dùng khi mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và không vì mục đích thương mại.

Về quyền của người tiêu dùng tại Điều 15, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố, để phù hợp với Điều 62 của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Đối với nghĩa vụ của người tiêu dùng tại Điều 16 đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung nghĩa vụ “Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa trong quá trình sử dụng theo quy định”. Theo đại biểu, thực tế một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh, như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Do đó, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng, đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.

Đối với trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng tại Điều 20, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các tiêu chí cụ thể hơn để tổ chức, cá nhân kinh doanh có cơ sở để xác định được “sự phù hợp” của hàng hóa, dịch vụ đối với “các nhóm người tiêu dùng theo độ tuổi, thu nhập, khu vực địa lý, dân tộc, tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm thần, thể chất, bảo đảm bình đẳng giới và đặc thù giới tính”.

Đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cho người tiêu dùng, đại biểu đề nghị xem xét quy định nội dung này cho thống nhất, phù hợp với quy định về ghi nhãn hàng hóa.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung công khai mã số đăng ký kinh doanh của công ty hoặc hộ kinh doanh đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi có giao dịch từ xa với người tiêu dùng để người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận hơn. Đồng thời phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước vì tên, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, người đại diện theo pháp luật có thể thay đổi nhưng mã số đăng ký kinh doanh thì được cấp một lần.  Ngoài ra, đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể hơn về trách nhiệm đưa thông tin về vụ án dân sự liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bổ sung quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có vi phạm ảnh hưởng tới hoạt động của cá nhân, tổ chức kinh doanh.

Chính Lâm

Tin cùng chuyên mục