Dự kỳ họp tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh. Đại biểu Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận góp ý kiến vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Đại biểu Ma Thị Thúy góp ý kiến vào dự án Luật Thi đua, khen thưởng.
Đại biểu bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi dự án Luật Thi đua khen thưởng theo các tờ trình của chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban xã hội của quốc hội về các vấn đề sửa đổi bổ sung mới của dự án luật lần này. Đại biểu tham gia ý kiến vào một số nội dung cụ thể như: Về Hình thức khen thưởng (Điều 8), đề nghị Ban soạn thảo xem xét tách riêng hình thức khen thưởng “Kỷ niệm chương” và “Huy hiệu” thành hai khoản riêng. Theo đại biểu, “Kỷ niệm chương” và “Huy hiệu” là hai hình thức khen thưởng khác nhau đồng thời để thống nhất với Điều 69 (Kỷ niệm chương) và Điều 70 (Huy hiệu) của dự thảo Luật này quy định hai điều riêng biệt.
Tại Điều 39 “Huân chương Lao động” hạng Nhất, Đại biểu cho rằng, Quy định trong 5 năm tiếp theo trở lên kể từ khi được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và có 2 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” sẽ đủ điều kiện tặng Huân chương Lao động hạng Nhất có thể sẽ dẫn đến tình trạng chênh lệch về thời gian được xét tặng Huân chương Lao động hạng Nhất với những cá nhân có cùng mức độ thành tích nhưng có thời điểm được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” khác nhau. Đại biểu lý giải: quy định tại khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật, Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành tỉnh được xét tặng cho cá nhân “Có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong số những cá nhân có ba lần liên tục được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”. Theo đó để có 2 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh”. phải ít nhát 6 năm. Vì vậy, nếu cùng cấp độ thành tích, hàng năm đều được công nhận “chiến sĩ thi đua cơ sở” thì người nào có thời điểm đủ điều kiện tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” sớm hơn, gần thời điểm được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì hơn sẽ có lợi hơn. Điều này không đảm bảo nguyên tắc công bằng trong khen thưởng, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cho phù hợp.
Ngoài ra, tại điểm b khoản 5 các Điều 39, Điều 40, Điều 41 và Điều 72: Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, điều chỉnh cụm từ “có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội” thành quy định có tính định lượng cụ thể mức đóng góp để xác định được rõ ràng trong việc xác định, đánh giá khen thưởng, dễ áp dụng vào thực tiễn, không để tiêu chí chung chung. Như vậy mới hạn chế tình trạng mỗi đơn vị, địa phương tự xây dựng đối tượng, tiêu chuẩn riêng tạo sự không đồng nhất, công bằng giữa các địa phương khi Trung ương xem xét xét tặng danh hệu nhà nước.
Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về Khoản 4 Điều 78 quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quy định quyết định tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” cho lực lượng vũ trang nhân dân địa phương . Theo đại biểu, khoản 2 Điều 24 của dự thảo luật khẳng định tập thể thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì được xét tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. Như vậy, danh hiệu “Đơn vị quyết thắng” chỉ áp dụng cho các tập thể thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và do Thủ trưởng ngành dọc quyết định, tức là cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trở lên mới có quyền ký quyết định tặng thưởng.
Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo xem xét việc khen thưởng cho doanh nghiệp và các tập thể, cá nhân thuộc doanh nghiệp cần phải có những quy định cụ thể trong Luật. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc khen thưởng đối với doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương.
Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình cao với ban soạn thảo lần này đã bổ sung quy định các danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu” ; “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu” ; “Gia đình tiêu biểu”. Nhưng theo quy định của dự thảo luật, việc giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chí xét tặng các danh hiệu trên thì sẽ không thống nhất sẽ dẫn đến mỗi tỉnh có quy định riêng các tiêu chí riêng. Đề nghị ban soạn thảo xem xét nên giao cho Chính phủ quy định chung để việc tổ chức thực hiện đảm bảo thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết