Các đại biểu trong phiên thảo luận tổ.
Góp ý vào dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Ma Thị Thúy nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh qua hơn 10 năm thi hành. Tham gia vào nội dung cụ thể, đại biểu đề nghị cần tiếp tục duy trì mô hình tổ chức thanh tra cấp huyện như hiện nay. Theo đại biểu, Thanh tra cấp huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc duy trì thanh tra cấp huyện là rất quan trọng, cần thiết, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với các cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương. Đại biểu lý giải thêm, thực tế ở cấp xã không có thanh tra, trong khi có nhiều công việc cần có cơ quan thanh tra thực hiện. Nếu bỏ vai trò thanh tra huyện thì sẽ dễ phát sinh lỗ hổng thanh tra ở một cấp chính quyền; từ huyện, đến xã, phường không có cơ quan tiến hành thanh tra, kiểm tra. Trong khi thanh tra cấp tỉnh khó có thể thực hiện được hết các công việc của cấp huyện, xã. Về thanh tra Bộ và việc thành lập thanh tra tổng cục thuộc Bộ, đại biểu đề xuất chỉ quy định một đầu mối thanh tra chuyên ngành tại Bộ để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra, đồng thời bảo đảm tinh gọn bộ máy.
Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Ma Thị Thúy đề nghị xem xét lại phương án giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện cấp phép, thu hồi giấy phép hành nghề tại Điều 26 dự án luật. Phương án này không phù hợp với tình hình thực tế, có thể sẽ phát sinh thêm bộ máy để hoạt động kiểm tra, đình chỉ, thu hồi giấy phép hành nghề. Ngoài ra cũng sẽ phát sinh hướng dẫn để giải quyết mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống tổ chức này. Đại biểu đề nghị, thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề nên thực hiện như hiện nay. Do số lượng cán bộ y tế cả nước rất lớn, Hội đồng Y khoa quốc gia khó bảo đảm được việc cấp, gia hạn, bổ sung chứng chỉ hành nghề được kịp thời.
Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia thảo luận tại tổ.
Đại biểu cũng tham gia ý kiến vào quy định về thời gian gia hạn hành nghề, hồ sơ thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn điều chỉnh giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài ở Việt Nam... Đại biểu cũng đề nghị cần giữ quy định cấp giấy phép hành nghề đối với y sỹ. Bởi vì chức danh này ở vùng núi, vùng khó khăn, hải đảo vẫn còn thiếu cán bộ y tế; nên có quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử theo đúng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay.
Gửi phản hồi
In bài viết