Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình với Báo cáo tổng hợp chung của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội. Đại biểu nhấn mạnh, qua đợt lấy ý kiến Nhân dân, có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý. Tham gia ý về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất (Điều 158): đại biểu cho rằng, qua nhiều lần sửa đổi thì lần này dự thảo luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Tuy nhiên, quy định như vậy cũng chưa thật sự rõ ràng. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần có quy định tỷ lệ sai số về giá đất được xác định cho hợp đồng thẩm định giá đất.
Quang cảnh phiên họp.
Đối với quy định tại khoản 4, Điều 17 quy định chính quyền địa phương ban hành chính sách về đất đai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện. Theo đại biểu, nội dung này nếu quy định như vậy là phù hợp. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn nếu việc thực hiện sẽ có nhiều khó khăn do chưa rõ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bởi các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất đều nằm trong các tỉnh nghèo, nguồn lực, quỹ đất rất khó khăn, mức đầu tư lớn...
Quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 181 về sử dụng đất nông lâm trường bàn giao lại cho địa phương quản lý: Đại biểu nêu trong quá trình thực hiện việc bàn giao đất nông, lâm trường cho địa phương quản lý đã có nhiều vướng mắc, việc thu hồi đất của các Công ty nông, lâm trường quốc doanh để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số rất hạn chế. Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm đối tượng là người dân tộc Kinh sinh ra và lớn lên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi họ từ miền xuôi lên cùng sinh sống cũng khó khăn, các chính sách khác của Nhà nước được thụ hưởng nhưng ít...
Đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để nghị: Việc quy định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại khoản 7 và khoản 29, Điều 3 dự thảo Luật không bao gồm những người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác là không phù hợp. Đề nghị Dự thảo Luật cần sửa đổi theo hướng mở rộng về đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối (không loại trừ đối tượng hưởng lương thường xuyên).
Về vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong quản lý và sử dụng đất đai (điều 20), đại biểu Mai đề nghị bổ sung quy định vai trò, trách nhiệm tham gia ý kiến đối với dự án có sử dụng đất do Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất (Điều 88): Đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về trách nhiệm của ban thực hiện cưỡng chế trong vấn đề xử lý tài sản trên đất thu hồi, trường hợp trên đất thu hồi có tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải bảo quản tài sản trong điều kiện bình thường; đối với tài sản dễ hư hỏng, phải bảo quản có điều kiện; chi phí bảo quản tài sản phải do chủ sở hữu chịu trách nhiệm thanh toán.
Đại biểu Ma Thị Thúy tham gia phát biểu ý kiến thảo luận.
Về chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Khoản 4, Điều 93 dự thảo Luật, đại biểu Mai đề nghị bổ sung thêm quy định đối với trường hợp đất đang tranh chấp chưa giải quyết dứt điểm của cơ quan có thẩm quyền thì tiền bồi thường, hỗ trợ đã phê duyệt được gửi vào tài khoản tiền gửi của Chủ đầu tư mở tại Ngân hàng thương mại Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ theo lãi suất không kỳ hạn tài khoản tạm giữ của Kho bạc Nhà nước.
Góp ý vào dự thảo Luật, đồng chí Lò Thị Việt Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch nhóm đại biểu Quốc hội trẻ đề nghị: sửa đổi tên Điều 10 “Phân loại đất” thành “Phân loại mục đích sử dụng đất” hoặc “Phân loại đất theo mục đích sử dụng”. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ đơn thân nuôi con nhỏ dưới 3 tháng tuổi, trẻ em thuộc diện Bảo trợ xã hội...
Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng tổ thảo luận khẳng định: Về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất theo thị trường, tuy nhiên, quá trình xã định giá đất phải hài hòa giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc phân cấp để giải quyết vấn đề đất đai cần phải đồng bộ, chặt chẽ nhiều hơn, cần có chế tài cho cấp tỉnh được quyền chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng phải theo kế hoạch, chỉ tiêu đất được giao. Đề nghị kết thúc kỳ họp, cơ quan soạn thảo phải tổng hợp, công khai đầy đủ các ý kiến đại biểu tham gia tại kỳ họp thứ 5 để có cơ sở sang các kỳ họp tiếp theo, các đại biểu Quốc hội theo dõi, xem các nội dung góp ý đã được tiếp thu đầy đủ chưa, nhưng nội dung không được tiếp thu cũng cần giải thích để đại biểu có cơ sở giải thích cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết