Trạm khai thác xử lý nước mặt Minh Xuân (TP Tuyên Quang) được đưa vào vận hành từ tháng 1-2019 đã bổ sung một lượng lớn nước vào hệ thống cấp nước sạch của thành phố. Anh Trần Quang Hải, Đội trưởng Đội vận hành cho biết, đây là địa bàn tập trung đông dân cư sinh sống và nhiều cơ quan, đơn vị. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng, công ty đã đầu tư xây dựng trạm khai thác, xử lý với công suất lớn nhất hiện nay là 5.000 m3/ngày, đêm. Theo anh Hải, quy trình khai thác được thực hiện theo đúng quy chuẩn. Nước sau khi bơm từ sông được dẫn vào hệ thống bể lắng, tiếp đó nước sẽ được xử lý đảm bảo an toàn các chỉ tiêu trước khi hòa vào hệ thống cấp nước sạch của thành phố.
Công trình cấp nước tập trung xã Hồng Thái (Na Hang) phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân.
Nguồn nước cấp từ công trình cấp nước sạch nông thôn cũng liên tục được cơ quan chuyên giám sát, lấy mẫu đánh giá nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân. Ông Triệu Minh Hường, cán bộ vận hành công trình cấp nước sạch xã Thái Sơn (Hàm Yên) cho biết, định kỳ, đột xuất đơn vị đều lấy mẫu nước gửi về Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiểm nghiệm đánh giá chất lượng. Theo ông Hường, hơn 10 năm công trình cấp nước hoạt động, công suất khai thác khác cung cấp 200 m3/ngày, đêm. Chất lượng nguồn nước luôn đảm bảo để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân. Ông Đỗ Văn Tình, thôn 31, xã Thái Sơn cho biết, 5 năm sử dụng nước từ công trình cấp nước của xã chất lượng nước rất đảm bảo, thời điểm này là mùa mưa nhưng nước vẫn trong, mát.
Ông Cao Xuân Huy, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết, hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn hiện nay đều được đầu tư xây dựng đồng bộ, chất lượng nước đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Năm 2013, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã được Cơ quan hợp tác Phát triển quốc tế Australia hỗ trợ đầu tư xây dựng phòng xét nghiệm chất lượng nước với mục tiêu phân tích, đánh giá chất lượng nước giúp đơn vị chủ động xây dựng và đề ra những giải pháp can thiệp phòng chống, xử lý các nguồn nước, các công trình cấp nước bị ô nhiễm nhằm duy trì chất lượng nguồn nước đảm bảo sức khỏe, đời sống cho người dân nông thôn và cộng đồng trên địa bàn tỉnh
Đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành về triển khai thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục. UBND tỉnh yêu cầu, Công ty cổ phần cấp thoát nước Tuyên Quang, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh lập kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn, quản lý rủi ro; xây dựng quy trình và tổ chức diễn tập nhằm sẵn sàng ứng phó khi xảy ra các sự cố, thảm họa gây ô nhiễm nguồn nước và mất an ninh, an toàn cấp nước.
Sở Y tế xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phù hợp quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCVN 01-1:2018/BYT; Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước; xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước sạch và xả nước thải không đảm bảo quy định vào nguồn nước. Ông Phùng Thế Hiệu, Phó Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, ngành đã thực hiện lập hành lang bảo vệ 78 nguồn nước, trong đó có 67 nguồn là suối, còn lại là sông và ngòi.
Cùng với những nỗ lực của tỉnh, ngành chức năng, rất cần sự chung tay vào cuộc của người dân là đối tượng hưởng lợi trong việc sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước sạch - sự sống của con người.
Gửi phản hồi
In bài viết