Dám làm, dám chịu

- Tuần qua, khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục cảnh báo về tình trạng cán bộ né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm sẽ gây nguy hại rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tình trạng này thể hiện dưới muôn hình vạn trạng. Nào cấp dưới hỏi cấp trên, cấp trên bảo làm theo quy định, cứ thế quả bóng đá qua, đá lại. Nào văn bản xin ý kiến hoặc đề nghị hướng dẫn bị “ngâm” lâu, không trả lời. Nào việc trong thẩm quyền nhưng vẫn gửi hồ sơ lòng vòng xin ý kiến mọi nơi, mọi chỗ. Nào không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng...

Nguyên nhân là do nhiều cán bộ đảng viên đang có tư tưởng “không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa”.

Hậu quả là làm chậm lại việc giải quyết công việc, gây khó khăn thêm cho nền kinh tế, làm giảm niềm tin của nhân dân vào cán bộ, đảng viên và bộ máy công quyền.  

Đã đành cán bộ phải biết sợ sai, để tránh bị kỷ luật, bị khởi tố. Nhưng sợ đến mức không dám làm, không dám hành động gì hoặc không biết làm như thế đúng hay sai thì cần phải xem lại trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Để giải quyết vấn đề này, giải pháp hàng đầu là đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, pháp luật liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm, nhiệm vụ mà công chức phải thực hiện.

Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để đánh giá lại cán bộ của mình xem còn đủ năng lực và trình độ hay không để xử lý trách nhiệm, thậm chí là đưa ra khỏi vị trí đang đảm nhiệm.

Mặt khác, hệ thống chính sách có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên cần hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rà soát bãi bỏ các quy định hoặc thói quen phải xin ý kiến, thỏa thuận, xin chủ trương, thống nhất...

Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Được biết, Bộ Nội vụ đang tập trung rất cao, tham mưu cho Chính phủ để ban hành Nghị định về vấn đề này.

Hơn lúc nào hết cán bộ, công chức phải vượt lên khó khăn, thách thức để thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, người đứng đầu cần nêu cao trách nhiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động, sáng tạo.                                

Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục