Lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO tuần tra tại Kosovo.
Ngày 22-11, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borell nhấn mạnh, cả Serbia và Kosovo đều phải chịu trách nhiệm cho thất bại của cuộc đàm phán được tổ chức trước đó 1 ngày; cùng bất kỳ sự leo thang và bạo lực nào có thể xảy ra trên thực tế trong những ngày tiếp theo. Đại diện của EU cũng cho biết, ông đã trình bày một đề xuất được phía Serbia chấp nhận, song Kosovo phản đối. Các văn bản đã được thay đổi 10 lần trong cuộc đàm phán, nhưng Kosovo không muốn chấp nhận bất cứ điều khoản nào.
Căng thẳng bùng phát từ tháng 7 vừa qua khi Kosovo yêu cầu cộng đồng thiểu số người Serbia đổi biển số ô tô cũ, có từ trước năm 1999 - khi Kosovo còn là một phần của Serbia. Theo thông báo của chính quyền Pristina, đến ngày 21-11 sẽ chỉ nhắc nhở các lái xe người Serbia về nghĩa vụ của họ, sau thời hạn này Kosovo bắt đầu tiến hành xử phạt. Từ cuối tháng 1-2023, chỉ những xe mang biển do Kosovo cấp mới được phép đi lại và sau ngày 21-4-2023, Kosovo sẽ tịch thu phương tiện của những người phản đối quy định này.
Căng thẳng leo thang khiến dư luận thế giới lo ngại Serbia sẽ can thiệp vũ trang vào miền Bắc Kosovo để bảo vệ người Serbia. Điều này không chỉ gây mất ổn định hơn nữa cho khu vực Balkan mà có thể lôi kéo các bên liên quan vào cuộc, khiến xung đột trở thành một cuộc chiến tranh mới mở rộng trong bối cảnh Nga và phương Tây đang trong trạng thái đối đầu gay gắt tại Ukraine.
Những lo ngại nói trên không phải không có cơ sở khi cuối tháng 9-2022, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo đã đưa các binh sĩ dự bị cho lực lượng gìn giữ hòa bình do khối này đứng đầu tại Kosovo (KFOR) tới vùng lãnh thổ ly khai từ Serbia để huấn luyện. Động thái này được xem là cách tiếp cận cuối cùng trong cuộc tranh cãi giữa người Serbia thiểu số và chính quyền Kosovo, vốn đe dọa có thể gây bùng phát tình trạng bất ổn mới.
Đại tá Christopher Samulki, Phó Tư lệnh khu vực phía Đông của KFOR không nêu cụ thể về số lượng binh sĩ được đưa tới Kosovo, song đề cập đến một đơn vị cấp tiểu đoàn, tức khoảng 500-1.000 quân. Số binh sĩ dự bị này được đưa tới để huấn luyện và các binh sĩ đầu tiên của Anh thuộc biên chế một đơn vị bộ binh đã có mặt tại Kosovo để đảm nhiệm vai trò là lực lượng dự bị chiến lược, trong khi các đơn vị dự bị khác đang đóng quân bên ngoài Kosovo sẽ tới vào những thời điểm khác nhau theo yêu cầu của KFOR dựa trên tình hình thực địa.
Trước đó, nhiều nguồn thông tin cũng đề cập tới khả năng Nga sẽ thành lập căn cứ quân sự tại Serbia, tạo thành bàn đạp chiến lược vững mạnh tại phía Nam Âu. Khi đã có căn cứ quân sự ở Serbia, Nga có thể mở rộng hợp tác với quốc gia này, không chỉ trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, mà cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Đứng trước tình hình trên, ông Josep Borell kêu gọi Kosovo đình chỉ ngay lập tức các bước tiếp theo liên quan đến đăng ký lại phương tiện ở Kosovo và yêu cầu Serbia đình chỉ cấp biển số mới, cho phép cả hai bên có thời gian để tìm kiếm một giải pháp bền vững. Theo các nhà phân tích quốc tế, tăng cường đối thoại với sự hỗ trợ của các tổ chức trung gian sẽ là giải pháp hiệu quả để Serbia và Kosovo tháo gỡ căng thẳng, tìm ra tiếng nói chung vì lợi ích của cả hai phía và an ninh khu vực. Từ đó, cũng giúp châu Âu không bị kéo vào một vòng xoáy bất ổn mới.
Gửi phản hồi
In bài viết