Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn từng nói: Khoan thư sức dân để thành kế dày rễ bền gốc, đó là sách lược giữ nước. Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khi nói về vai trò của nhân dân đối với sự thịnh suy của vận nước đã khái quát Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, và xin nhà vua chăm sóc dân sao cho cả làng trong xóm đều không một tiếng khóc oán sầu.
Kế tục các vị tiền bối đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định mạnh mẽ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã quán triệt “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Chúng ta đang phấn đấu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, với mục tiêu cao cả là chăm lo, bảo vệ lợi ích tối cao, đầy đủ, toàn diện của nhân dân hướng tới dân giàu, nước mạnh. Các mục tiêu đó chỉ có thể đạt được nếu sức dân được nuôi dưỡng, được bồi đắp ngày một mạnh mẽ hơn và hiệu quả ngày một cao hơn.
Chính vì vậy, bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, cần hết sức tôn trọng và phát huy quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ, vai trò chủ thể của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” như các kỳ Đại hội Đảng đã đề ra.
Thật sự thấm nhuần và thực thi quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là chủ”, bảo đảm mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và Dân chính là yếu tố bảo đảm cho mọi thành công.
Gửi phản hồi
In bài viết