Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh tham gia "ba cùng" với Nhân dân tại xã Bạch Xa (Hàm Yên).
Đổi mới hướng về cơ sở
Ngay sau đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hệ thống dân vận đã chủ động tham mưu với cấp ủy tăng cường và đổi mới công tác dân vận theo phương châm hướng mạnh về cơ sở. Thực hiện Đề án số 02-ĐA/TU ngày 23/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đề án đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở hưởng ứng, tham gia thực hiện tích cực, sâu rộng.
Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.700 lượt chi bộ, đảng bộ cơ sở, gần 110.000 lượt cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động ở cơ sở với gần 270.000 lượt người dân hưởng ứng tham gia; giúp gần 3.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà, làm nhà mới; tham gia vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên 380 nhà văn hóa; trồng, chăm sóc tuyến đường hoa trên 600 km; làm đường bê tông, đắp hoàn mang đường bê tông gần 100 km; khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm gần 2.000 km; vận chuyển, lắp đặt hơn 26 km cấu kiện kênh mương bê tông đúc sẵn; thu gom, phân loại xử lý rác thải; hỗ trợ xây dựng 177 lò đốt rác thải; hỗ trợ, thực hiện tuyến đường thắp sáng đường quê hơn 144 km, giúp người dân thu hoạch mùa vụ, khắc phục hậu quả thiên tai...
Từ các mô hình "Dân vận khéo", nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đổ bê tông, giúp người dân đi lại thuận tiện, góp phần xây dựng nông thôn mới ở thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận (Hàm Yên).
Hình ảnh cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang của các chi bộ, đảng bộ cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên khắp địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới... với nhân dân tại cơ sở vào những ngày thứ bảy, chủ nhật cuối tuần đã trở nên quen thuộc với người dân ở cơ sở. Công an tỉnh Tuyên Quang là một trong những đơn vị tham gia tích cực và hiệu quả đề án. Với đặc thù của ngành là đội ngũ công an chính quy đã được bố trí tại tất cả các xã, thị trấn, thường xuyên tiếp xúc, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của người dân, cho nên càng thuận lợi trong thực hiện phong trào. Thời gian qua, Công an tỉnh đã huy động hơn 700 cán bộ, chiến sĩ, với hơn 14.000 ngày công cùng người dân trong thôn, xóm giúp san ủi mặt bằng, vận chuyển vật liệu phục vụ thi công xây dựng 1.400 nhà ở cho hộ nghèo.
Đại tá Đỗ Tiến Thùy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, chung tay giúp các hộ nghèo có ngôi nhà vững chắc, tạo động lực cho họ vươn lên thoát nghèo bền vững là trách nhiệm chung của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đồng thời là dịp để lực lượng công an các cấp tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, từ đó tiếp tục xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lan tỏa "Dân vận khéo"
Tại thôn Phú Xuân, xã Tam Đa (Sơn Dương), từ khi có chủ trương nâng cấp, cải tạo, mở rộng hành lang đường ĐT.186 được nhân dân hưởng ứng ngay. Bà Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Phú Xuân chia sẻ, thôn Phú Xuân là thôn trung tâm của xã nên hầu hết các công trình giao thông đều đi qua thôn. Tuyến đường thôn trước kia là đường đất, bề mặt chỉ khoảng 3m, mùa vụ thu hoạch người dân đi lại khá vất vả. Ngay từ khi triển khai kế hoạch vận động, chi bộ luôn lấy tinh thần nêu gương của đảng viên để vận động. Để "lấy đà” cho bà con trong thôn, bản thân bà Vinh cũng là hộ đi đầu hiến 120m2 đất thổ cư, dịch tường rào, cổng, mái hiên để Nhà nước nâng cấp, cải tạo, mở rộng hành lang đường ĐT.186. Từ tấm gương của bà mà các hộ khác cũng làm theo. Nhờ vậy, chỉ sau một buổi họp thôn, xin ý kiến nhân dân triển khai kế hoạch làm đường, hơn 800 m2 đất ở, đất vườn và một số công trình phụ của 17 hộ đã được hiến.
Vài năm trở lại đây, cuộc sống của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận (Yên Sơn) được nâng lên rõ rệt, khi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chi hội Trưởng Hội Nông dân thôn Cây Nhãn cho biết, sau nhiều trăn trở tìm hướng thoát nghèo cho hội viên, "miệng nói tay làm", để nêu gương cho hội viên, năm 2006, nhận thấy cây cam lòng vàng có tiềm năng phát triển, ông đầu tư hơn 200 cây giống cam lòng vàng về trồng. Sau 3 năm cây cam hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt, cho thu hoạch đạt hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông đã nhân rộng diện tích, đến nay, gia đình ông có 4 ha cam. Hàng năm thu nhập của gia đình đạt 1,3 tỷ đồng. Năm 2020, ông Vĩnh đã vận động 7 hội viên tham gia thành lập Hợp tác xã Vĩnh Thịnh với gần 30 ha cây ăn quả. Hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã thu hút thêm 6 thành viên cùng tham gia, nâng tổng số thành viên Hợp tác xã lên 11 người, thu nhập bình quân mỗi thành viên khoảng 300 triệu - 1 tỷ đồng/năm. Từ mô hình hiệu quả của gia đình ông, nhiều hộ dân trong thôn đã học tập, làm theo. Hiện nay, thôn Cây Nhãn có 40 hộ trồng hơn 25 ha cam lòng vàng. Nhờ đó, đời sống của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên, nhiều hộ thực hiện mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc gia cầm cho thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm.
Hiện toàn tỉnh đã có trên 10.412 mô hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực, trong đó có trên 2.500 mô hình tiêu biểu có sức lan tỏa rộng rãi. Đồng chí Lê Văn Quốc, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Việc quan tâm và làm tốt công tác dân vận và thực hành "Dân vận khéo" đã góp phần củng cố vững chắc hệ thống chính trị, phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết