Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân làm thay đổi quy hoạch người kế nhiệm của Singapore.
Lý do Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt đưa ra quyết định từ chức lãnh đạo nhóm 4G là những thách thức lớn và lâu dài của đại dịch Covid-19 cũng như vấn đề tuổi tác và đòi hỏi về công việc của người đứng đầu. Nói cách khác, ông Vương Thụy Kiệt, hiện 60 tuổi, cho rằng ông không còn đủ thời gian để chuẩn bị hành trang đảm nhận vị trí lãnh đạo Singapore.
Từ khi giành độc lập đến nay, Singapore luôn tìm cách thể chế hóa sự kế thừa chính trị thành một quá trình hiệu quả, hợp lý cao và không mang tính cá nhân. Mặc dù lịch trình cho mỗi lần chuyển giao thế hệ lãnh đạo là khác nhau, nhưng tất cả được thực hiện với độ chính xác nhất định. Nhân vật kế nhiệm thường được công bố trước một khoảng thời gian đủ để không gây lo lắng cho các nhà đầu tư và người dân. Một khi ứng cử viên cho vị trí thủ tướng được lựa chọn, hầu như không có sự thay đổi giữa chừng hay mâu thuẫn chính trị lớn như thường xảy ra trong chuyển giao quyền lực ở các quốc gia khác.
Quá trình lựa chọn ông Vương Thụy Kiệt là lãnh đạo kế nhiệm của Singapore diễn ra từ cách đây 3 năm, nhận được sự đồng thuận của 32 bộ trưởng và nghị sĩ. Thủ tướng Lý Hiển Long đã bổ nhiệm ông Vương Thụy Kiệt làm cấp phó của mình, có hiệu lực từ ngày 1-5-2019. Theo kế hoạch, Thủ tướng Lý Hiển Long, 69 tuổi, sẽ chuyển giao quyền lực ở tuổi 70 vào tháng 2-2022. Tuy nhiên, sự thay đổi bất ngờ của ông Vương Thụy Kiệt sẽ khiến nhóm 4G phải gấp rút tìm kiếm nhà lãnh đạo tiềm năng thay thế.
Hiện tại, Singapore có 4 ứng cử viên sáng giá là Bộ trưởng Công Thương Chan Chun Sing, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Ong Ye Kung, Bộ trưởng Giáo dục Lawrence Wong và Bộ trưởng Phát triển quốc gia Desmond Lee. Theo các nhà phân tích, dù ai là người kế nhiệm vị trí Thủ tướng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế do hậu quả của đại dịch Covid-19.
Theo số liệu của Bộ Công Thương Singapore (MTI), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 của nước này suy giảm 5,8%. Đây là mức suy giảm mạnh nhất từ trước tới nay. Trong đó, lĩnh vực xây dựng giảm 28,5%, trở thành lực cản cho tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Các ngành dịch vụ, phân phối, vận tải và kho bãi cũng trong tình trạng ảm đạm, với mức tăng trưởng cả năm âm 11,2%. Hiện, tăng trưởng chủ yếu dựa vào sản lượng của các lĩnh vực công nghiệp điện tử, sản xuất y sinh và cơ khí chính xác.
Để nhanh chóng vượt qua những hệ lụy của đại dịch, Singapore phải tiếp tục kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 và tăng cường khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, người lao động với tình hình bình thường mới. Bên cạnh đó là từng bước khôi phục các hoạt động trong nước, mở cửa biên giới và thu hút đầu tư. Chính phủ cũng sẽ phải hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm các nguồn doanh thu mới, đồng thời phát triển mạng lưới nhân tài trên khắp thế giới. Bộ trưởng Công Thương Chan Chun Sing cho rằng, ngay cả khi nền kinh tế có bước ngoặt, Singapore vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi kinh tế, trở lại mức tăng trưởng trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Mặc dù có sự thay đổi bất ngờ về lãnh đạo kế nhiệm, song người dân Singapore vẫn dành sự tin tưởng cao vào đảng cầm quyền PAP. Do đó, công việc lựa chọn ứng cử viên cho vị trí “thuyền trưởng” tương lai của quốc đảo sư tử sẽ nhận được sự ủng hộ của cử tri trong nước.
Gửi phản hồi
In bài viết