Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo công tác dân tộc

- Chiều 2-1, tại Hà Nội, Ủy Ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãng đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố.

Năm 2023 dưới chỉ đạo của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc đã triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 136 chính sách dân tộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2023 ước giảm còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Công tác văn hóa, giáo dục, đào tạo nghề, y tế, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân, an toàn thực phẩm tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đa phần ổn định, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra bình thường.

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các vị chức sắc, chức việc tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào, tín đồ chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang triển khai, làm chuyển biến nhiều địa phương khó khăn...

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương và ghi nhận những kết quả của Ủy Ban Dân tộc và các cấp, ngành có liên quan đã đạt được trong năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, nước ta đông đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở những địa bàn đi lại khó khăn, kinh tế còn chậm phát triển. Bởi vậy, việc xây dựng các chính sách dân tộc phải có tính thực tiễn cao, kịp thời, triển khai phải đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Điều này đòi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở phải nỗ lực hơn nữa, đoàn kết thì khó mấy chúng ta cũng làm được, góp phần chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách giữa các dân tộc, vùng miền.

Tin, ảnh: Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục