Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Hết năm 2021, toàn tỉnh đạt 54 xã nông thôn mới, 8 xã nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, toàn tỉnh có 8 xã đăng ký về đích nông thôn mới. Kế hoạch năm 2022 cần nguồn vốn trên 112 tỷ đồng đầu tư cho các xã xây dựng nông thôn mới thì hiện mới bố trí được 45 tỷ đồng. Trong 9 tháng, 8 xã xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành từ 10-14 tiêu chí, trong đó xã Nhữ Khê (Yên Sơn); Hào Phú, Thượng Ấm (Sơn Dương) đạt 14/19 tiêu chí. 5 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao mới đạt từ 9- 18/19 tiêu chí, trong đó, xã Kim Phú (TPTuyên Quang) đạt cao nhất 18/19 tiêu chí…
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu đã làm rõ một số khó khăn, vướng mắc, giải pháp thực hiện trong thời gian tới như bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng; giải pháp thực hiện tiêu chí hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiện nay xây dựng nông thôn mới của tỉnh có 2 vấn đề lớn đó là xây dựng cơ sở vật chất và nguồn vốn thực hiện. Đảm bảo chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022 thì các ngành, các cấp, địa phương phải nỗ lực hoàn thành các tiêu chí tại 8 xã đăng ký hoàn thành nông thôn mới, 5 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng ít nhất 28 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu gắn với hình thành các tua tuyến tham quan du lịch; xây dựng 56 vườn mẫu nông thôn mới tại hộ gia đình.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành đề xuất vốn với UBND tỉnh để có phương án bố trí, tháo gỡ. Các ngành, UBND các huyện chú trọng giải pháp thực hiện tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo tính bền vững, đưa các cơ chế chính sách về vốn, hỗ trợ việc làm…tăng thu nhập cho người dân. Các thành viên Ban Chỉ đạo phải sát sao hơn với nhiệm vụ được giao, có hướng dẫn, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng xã.
Gửi phản hồi
In bài viết