Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao

Đồng Tháp là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao để phát triển nền nông nghiệp là yêu cầu cấp bách, là thách thức lớn đang đặt ra đối với địa phương. Nguồn nhân lực này còn giúp địa phương phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu mô hình trồng nấm vân chi đỏ tại Trường đại học Đồng Tháp. (Ảnh Trường đại học Đồng Tháp cung cấp)
Sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu mô hình trồng nấm vân chi đỏ tại Trường đại học Đồng Tháp.
(Ảnh Trường đại học Đồng Tháp cung cấp)

Nguồn nhân lực cho tương lai

Chúng tôi có mặt tại nhà trồng nấm dược liệu rộng 150m2 của Trường đại học Đồng Tháp.

Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên ngành Công nghệ sinh học, Khoa Công nghệ và Kỹ thuật đang cùng gần 20 sinh viên tất bật treo 3.600 phôi nấm vân chi đỏ.

“Mỗi khi treo phôi nấm, em cũng như các bạn hết sức tập trung để cho phôi cân bằng, thẩm mỹ. Sau những lần như thế, chúng em có dịp nghiên cứu quy trình phát triển của nấm vân chi đỏ và một số loại nấm khác...”, Phạm Thị Ngọc Anh, sinh viên năm nhất, ngành Công nghệ sinh học chia sẻ.

Ngọc Anh cho biết thêm, em cũng khá bất ngờ khi mới đang là sinh viên năm nhất, em cùng nhiều bạn trong lớp đã được tạo điều kiện nghiên cứu khoa học, đi thực tế để có thêm kiến thức hỗ trợ cho ngành học.

Mô hình nhà trồng nấm vân chi đỏ nằm trong khu thực hành nông nghiệp của Trường đại học Đồng Tháp. Mô hình vừa phục vụ giảng dạy, nghiên cứu, vừa là nơi sinh viên trực tiếp thực hành quy trình nuôi trồng, chăm sóc và thu hoạch nấm theo hướng hiện đại, an toàn sinh học.

Tiến sĩ Trần Đức Tường cho biết, nấm vân chi đỏ của trường hiện là dự án khởi nghiệp. Mục tiêu của dự án là tận dụng hiệu quả các phụ phế phẩm phát thải từ nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (cùi bắp, vỏ trấu…) để tạo ra nấm vân chi đỏ - sản phẩm quý từ thiên nhiên có giá trị dược tính và giá trị kinh tế cao, bảo đảm chất lượng kiểm nghiệm.

Dự án xuất phát từ công trình nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu thành phần cơ chất sẵn có tại địa phương để trồng nấm vân chi đỏ” của Tiến sĩ Trần Đức Tường và nhóm tác giả.

Từ dự án này, đến nay, nhiều giảng viên, sinh viên Trường đại học Đồng Tháp đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, công bố nhiều công trình nghiên cứu về nấm vân chi đỏ trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín, đạt được nhiều giải thưởng và bằng khen cấp tỉnh, bộ, Trung ương.

Hiện, dự án đang tiếp tục phát triển theo hướng nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất bằng công nghệ IoT và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ nấm vân chi đỏ. Dự án đã thúc đẩy tinh thần nghiên cứu sáng tạo của sinh viên các ngành học liên quan của nhà trường.

“Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên sớm tiếp cận với nhiều vốn kiến thức. Giảng viên thực hiện nhiều đề tài khoa học cho sinh viên cọ sát thực tế, tham gia học việc. Sau đó, những sinh viên nào có kỹ năng tốt sẽ được tuyển làm kỹ thuật viên cho đề tài nghiên cứu, nhằm tạo động lực để các em tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở...”, Tiến sĩ Trần Đức Tường cho biết.

Hiện, Trường đại học Đồng Tháp có 143 sinh viên đang theo học các ngành thuộc khối nông nghiệp, tài nguyên, môi trường. Trong 5 năm qua, giảng viên và sinh viên của Khoa Nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện 24 đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp ở các cấp và công bố 108 bài báo khoa học, trong đó có 45 bài trên các tạp chí quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Tháp cho biết, Nhà trường rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu và thực hành, như: các phòng thí nghiệm chuyên sâu, nhà lưới, nhà màng, khu trồng rau, thủy sản và nhà trồng nấm công nghệ cao. Mạng lưới hợp tác rộng khắp với các viện, trường và doanh nghiệp đã mở ra nhiều cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên, tạo nền tảng vững chắc cho nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng trong tương lai.

Để tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Đồng Tháp đã tạo điều kiện cho cán bộ chuyên môn của các sở, ngành tham dự các hội thảo khoa học-công nghệ, lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn tại nhiều viện, trường trong nước và nước ngoài. Tỉnh phối hợp thực hiện đào tạo sau đại học ở nước ngoài cho các lĩnh vực có nhu cầu phát triển.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Tất Đạt cho biết, các nghề đào tạo được đánh giá là đa dạng và đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, giúp họ tiếp cận công nghệ mới và áp dụng mô hình sản xuất tiên tiến. Một số chương trình đã góp phần nâng cao tay nghề và kiến thức về kinh tế nông nghiệp, sản xuất hữu cơ.

Đồng hành để cùng phát triển

Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa để tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh. Điều này cần có sự chung tay giữa chính quyền, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người dân trong quá trình đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đặc biệt chú trọng, đặt yêu cầu cao cho công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao.

Từ khát vọng tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều hội thảo, buổi làm việc với các trường đại học, doanh nghiệp liên quan công tác đào tạo, thực hiện các dự án khởi nghiệp. Mới đây, tỉnh đã thảo luận và mong muốn sớm có các hợp tác cụ thể về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo giữa Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, tỉnh Đồng Tháp là địa phương thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh đồng hành cùng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Nghị quyết số 57.

Phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa để tỉnh Đồng Tháp chuyển đổi sang nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh. Điều này cần có sự chung tay giữa chính quyền, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người dân trong quá trình đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu kỹ chương trình hành động của tỉnh cũng như đối sánh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ. Qua nghiên cứu, đã nhận thấy Đại học Quốc gia và Trường đại học Đồng Tháp cần tổ chức bình dân học vụ số để tạo kiến thức nền tảng về công nghệ số cho nguồn nhân lực của tỉnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân đề xuất, tỉnh Đồng Tháp chọn một doanh nghiệp cùng Đại học Quốc gia xây dựng chương trình nghiên cứu chung gắn với nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên. Chương trình này hứa hẹn tạo đột phá, chẳng hạn về nông nghiệp công nghệ cao, với nguồn đầu tư bài bản, định hướng sản phẩm cụ thể sẽ có khả năng đạt hiệu quả cao. Đây sẽ là mô hình tiên phong về kết hợp 3 nhà “doanh nghiệp-đại học-Nhà nước” thực hiện Nghị quyết số 57 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Linh Thước, Chủ tịch Hội đồng Khoa học-Đào tạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng lại thiếu các trung tâm nghiên cứu cơ bản để làm chủ về giống.

Ông đề xuất, tỉnh có thể xây mới hoặc dựa trên sự kết hợp của các đơn vị như Trường đại học Đồng Tháp, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng trung tâm nghiên cứu cơ bản về chỉnh sửa bộ gen kết hợp di truyền phân tử nhằm ươm tạo sản xuất giống. Từ đó, trung tâm sẽ cung cấp giống chuẩn cho các đơn vị sản xuất. Ngoài ra, trung tâm này sẽ đảm nhận công tác bảo tồn nguồn gen để phát triển cây giống, con giống.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Văn Thống, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Tháp cho biết, Nhà trường đang tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu để tổ chức các đợt thực tập, thực tế, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sinh viên triển khai ý tưởng khởi nghiệp.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, công tác đào tạo nguồn nhân lực và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao luôn song hành. Do đó, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tỉnh phải xây dựng các chính sách tạo ra hạ tầng công nghệ và các tiềm lực khoa học, công nghệ chứ không đặt nguồn lực vào việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản.

Tỉnh cần xây dựng các chính sách tạo ra hạ tầng công nghệ nhằm thu hút doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách thu hút nhân tài là các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc thu hút nhân tài không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công mà còn trong lĩnh vực tư.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Tất Đạt chia sẻ, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác đào tạo sau đại học thông qua việc hợp tác với các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước và quốc tế để tạo ra môi trường học tập nâng cao chất lượng cán bộ; xây dựng các mô hình hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ cao và nông dân để đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, đồng thời phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh và bền vững; tổ chức các khóa đào tạo nghề ngắn hạn về công nghệ cao trong nông nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực có ứng dụng công nghệ tiên tiến như sản xuất nông sản hữu cơ, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sử dụng thiết bị tự động hóa trong nông nghiệp...

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục