Di tích Chi bộ Mỏ Than, tổ 12, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang.
Ngày 01/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Phân tích tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 6 (ngày 6/11/1939) quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng, chỉ thị cho cán bộ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật và giữ vững liên hệ với quần chúng, chuyển trọng tâm về nông thôn, xây dựng nông thôn thành căn cứ địa rộng lớn của cách mạng. Đồng thời chú trọng đến vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nơi có đông thợ thuyền.
Ở Tuyên Quang, thời gian này, mặc dù phong trào đấu tranh của nhân dân thị xã đã phát triển, cơ sở quần chúng được mở rộng, song chưa có tổ chức cộng sản lãnh đạo trực tiếp và thống nhất. Trước tình hình đó, Xứ uỷ Bắc Kỳ đã nắm vững chủ trương của Trung ương Đảng, đánh giá đúng thực trạng và yêu cầu cấp bách của phong trào cách mạng địa phương và quyết định thành lập chi bộ Đảng ở Tuyên Quang để trực tiếp chịu trách nhiệm lãnh đạo phong trào cách mạng trong tỉnh.
Ngày 20/3/1940, Chi bộ Mỏ Than được thành lập tại nhà đồng chí Cả Kiến (tức Ninh Văn Kiến) nay là tổ 12, phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang. Đồng chí Đào Duy Kỳ, Xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ đã thay mặt cho Xứ uỷ công nhận và giao nhiệm vụ cho chi bộ. Chi bộ Mỏ Than gồm 7 đồng chí: Vũ Mùi, Lương Quang Mai (tức Kiến con), Trần Xuân Hồng (tức Hồng lớn), Bùi Văn Đức (tức Đức Kim), Lương Hải Bằng (tức Lương Văn Hải), Trần Hải Kế và Trần Thị Minh Châu. Đồng chí Vũ Mùi được chỉ định làm Bí thư Chi bộ.
Sự ra đời của Chi bộ Mỏ Than là mốc son quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử đấu tranh cách mạng tỉnh Tuyên Quang; là kết quả của phong trào đấu tranh liên tục, mạnh mẽ của công nhân và nhân dân lao động thị xã Tuyên Quang. Đồng thời, thể hiện sự chỉ đạo sát sao, đúng đắn của Xứ uỷ Bắc Kỳ trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng. Chi bộ Mỏ Than ra đời đã kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết phải có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo của lực lượng cách mạng địa phương, đưa phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân hoà vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo chặt chẽ, thống nhất của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Mỏ Than, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang ngày càng phát triển. Năm 1941, Ban cán sự Đảng Tuyên Quang, sau này là Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang được thành lập và lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương giành được nhiều thắng lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết