Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

TQĐT - Hội đồng Quốc phòng tối cao 

Nhằm huy động lực lượng toàn dân tham gia kháng chiến phục vụ hiệu quả các chiến dịch quân sự, ngày 19 - 8 - 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 206/SL, thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao gồm: Chủ tịch Hội đồng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhiệm, Phó Chủ tịch Hội đồng do ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Tài chính đảm nhiệm và bốn Ủy viên Hội đồng là các ông: Phan Kế Toại - quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phan Anh - Bộ trưởng Bộ Kinh tế; Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội Quốc gia và dân quân Việt Nam; Tạ Quang Bửu - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

Hội đồng Quốc phòng tối cao có quyền thay mặt Hội đồng Chính phủ giải quyết các vấn đề về quốc phòng cho kịp thời trong khi Hội đồng Chính phủ chưa họp được (vì điều kiện kháng chiến ở rừng núi, đi lại khó khăn...). Hội đồng Quốc phòng tối cao có nhiệm vụ lập kế hoạch quốc phòng toàn diện để trình Chính phủ phê duyệt, thực hiện kế hoạch quốc phòng bằng cách trực tiếp điều khiển Ủy ban kháng chiến hành chính phối hợp với các ngành hoạt động và giải quyết các vấn đề khẩn cấp về quốc phòng. 

Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Quốc phòng tối cao. Tháng 4 - 1949, Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao ở và làm việc tại làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Tại đây, từ ngày 20 - 4 đến ngày 28 - 4 - 1949 đã diễn ra Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc lần thứ hai (Hội nghị Thanh Sơn). Hội nghị do Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao - Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì. 

Ngày 2 - 8 - 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 87/SL, sửa đổi Điều 2 của Sắc lệnh số 206/SL ngày 19 - 8 - 1948 về thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm nhiệm; Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng; các hội viên: Phan Kế Toại, Lê Văn Hiến, Phan Anh, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu. 

Đến cuối năm 1949, Văn phòng Hội đồng Quốc phòng tối cao sáp nhập vào Văn phòng Chủ tịch phủ - Thủ tướng phủ để phù hợp với điều kiện gọn nhẹ trong kháng chiến. Văn phòng đặt tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương.  

                                                                                            Vũ bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục