Năm 1951, nhà máy chuyển từ sự quản lý của Ban Kinh tế - Tài chính Đảng để trở thành doanh nghiệp quốc doanh thuộc Nha Công nghệ, Bộ Công Thương. Trong năm 1951, nhà máy vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm. Suốt tám năm kháng chiến, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo là một trung tâm cơ khí chế tạo và sửa chữa, sản xuất các sản phẩm cơ khí như máy dập đầu đạn AT, máy trộn thuốc đạn, máy tiện cỡ nhỏ, máy in nhiều cỡ, hàng ngàn chiếc cân và nhiều máy xay xát, hàng ngàn choòng sắt, đầm ngang, tay xoay, bu lông phục vụ làm mới và sửa chữa cầu.
Đầu năm 1948, tại Thanh La, Bộ Kinh tế mở trường đào tạo cán bộ tài chính - kinh tế với ba khoa: Tài chính, Mậu dịch, Ngân hàng.
Tháng 4-1951, Chính phủ quyết định thành lập Ban đấu tranh kinh tế với địch, do Bộ trưởng Bộ Kinh tế làm Chủ tịch, bộ phận thường trực đặt tại Bộ Kinh tế. Sau đó ban đổi tên thành Ban Quản lý Xuất nhập khẩu Trung ương.
Ngày 14-5-1951, Sở Mậu dịch Trung ương được thành lập, ông Hoàng Quốc Thịnh làm Giám đốc. Một năm sau khi thành lập mạng lưới thương nghiệp quốc doanh được thiết lập rộng khắp tại các vùng tự do.
Tháng 3-1952, Bộ Kinh tế tổ chức Hội nghị đấu tranh kinh tế với địch tại xã Minh Hương, huyện Hàm Yên. Hội nghị nhấn mạnh phải chủ động tăng cường xuất khẩu, tiết chế nhập khẩu, tích lũy ngoại hối, đẩy mạnh đấu tranh tiền tệ với địch, bài trừ hàng xa xỉ.
(CÒN NỮA)
Gửi phản hồi
In bài viết