Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

TQĐT - Nha Bưu điện Việt Nam có các đơn vị trực thuộc: 

Ty Bưu điện đặc biệt: Thành lập tháng 6-1950. Ông Phan Văn Chính làm Trưởng ty, biên chế 378 cán bộ, nhân viên; có nhiệm vụ phục vụ các cơ quan Đảng, Chính quyền, đoàn thể Trung ương, dân sự về công văn, tài liệu, điện báo, điện thoại, chuyển tiền trong An toàn khu, các liên khu và ra nước ngoài; hướng dẫn, tiếp đón cán bộ các nơi đến Trung ương, và từ Trung ương đi các nơi, ra nước ngoài. 

Cơ xưởng Bưu điện vô tuyến điện Trung ương: Làm nhiệm vụ sản xuất, lắp rắp máy điện thoại, các dụng cụ phục vụ cho việc kéo dây điện thoại. Xưởng sản xuất được loại điện thoại từ thanh, tay quay bằng gỗ, lắp máy tổng đài cho các trạm ở liên khu và các tỉnh, loại máy phục vụ từ 5 đến 10 và 50 đường dây; lắp ráp được 345 máy, hơn 6.000 km đường dây điện thoại. 

Đài Vô tuyến điện Trung ương: Tháng 4-1947, Đài chuyển đến xã An Tường, huyện Yên Sơn. Tại đây lập thêm một đài liên lạc với Tân Hoa xã (Trung Quốc) và đài của Việt kiều yêu nước Thái Lan. Thời gian sau, Đài chuyển đến Tân Trào, rồi xã Thanh La, huyện Sơn Dương. Năm 1950, Đài chuyển lên xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa. Đài do ông Đỗ Đức Mùi làm Giám đốc. Đài làm nhiệm vụ chuyển và nhận mật điện (bằng ký hiệu moóc) của Trung ương gửi các cơ quan. 

Đài được tổ chức theo hệ đặc biệt, gồm các đài trung tâm ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ và các Đài khu vực: Khu III, Khu IV, Thủ đô, Khu X, Liên khu Trung Bộ, Nam Bộ, Đài Việt kiều Thái Lan và 51 đài lẻ. Tháng 10-1951, thành lập Đài thông tin Vô tuyến điện Ngân hàng. Năm 1953, lắp đặt Đài vô tuyến cho cơ quan tài chính. Hai đài này sáp nhập, gọi là Đài vô tuyến điện Ngân hàng Việt Nam.     

(CÒN NỮA)                     

Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)         

Tin cùng chuyên mục