- Nha Khí tượng Việt Nam: Nha do ông Nguyễn Xiển phụ trách. Cuối năm 1949, Nha Khí tượng chuyển đến thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn. Từ năm 1951 đến năm 1954, Nha chuyển đến thôn Cầu Trắng, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương.
Nha Khí tượng Việt Nam có khoảng 20 cán bộ, nhân viên. Phòng Kỹ thuật do ông Dương Trọng Bái phụ trách, có nhiệm vụ theo dõi, quan sát, nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu về khí tượng. Phòng này có các tổ: Dự báo thời tiết, Vô tuyến điện, Đồ họa, Dự báo khí hậu, Nghiên cứu huấn luyện.
Nha Khí tượng duy trì liên lạc với hai trạm Thanh Hóa và Thái Bình, cùng làm việc có các trạm quan trắc khí hậu tự lập và 8 trạm khí hậu của ngành nông nghiệp. Các số liệu thiên văn, thủy văn khí hậu do Nha Khí tượng Việt Nam cung cấp giúp bộ Giao thông - Công chính đề ra kế hoạch xây dựng, sửa chữa cầu đường phục vụ chiến dịch, giúp ngành nông nghiệp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi, sản xuất đúng thời vụ góp phần nâng cao năng suất lúa, hoa màu.
Trong kháng chiến, ngành Giao thông công chính đã huy động sức dân xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống bảo đảm giao thông. Hàng chục ngàn cây số đã được sửa chữa và làm mới, hàng ngàn cây cầu được khôi phục. Đồng thời phát triển các loại phương tiện vận tải, vận chuyển hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng đáp ứng nhu cầu của từng chiến trường, của các chiến dịch và đời sống nhân dân. Ngành thiết lập, bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc trong cả nước trong điều kiện địch chiếm đóng, chia cắt, đánh phá nhiều nơi. Mọi chủ trương, đường lối, chỉ thị, kế hoạch của Trung ương được truyền đạt kịp thời đến các địa phương, các chiến khu, các căn cứ, các cơ sở trong vùng địch tạm chiếm và quần chúng nhân dân.
Vũ Bé
(CÒN NỮA) (Theo các tài liệu lịch sử)
Gửi phản hồi
In bài viết