Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

TQĐT - Bộ Tài chính

Năm 1947, Bộ Tài chính di chuyển đến thôn Cầu Bì, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Tháng 9-1950, Bộ chuyển đến thôn Nà Làng, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa. Tháng 4-1951, chuyển đến làng Cảy, xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh), huyện Sơn Dương và đặt trụ sở tại địa điểm này đến năm 1954. 

Trong kháng chiến, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là tham mưu, đề xuất cho Chính phủ củng cố và tăng cường nền tài chính quốc gia, giải quyết những vấn đề lớn về kinh tế gắn với quân sự. Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng tự do, bảo đảm cung cấp cho bộ đội, cán bộ, công nhân và ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo kinh phí cho quân sự. Bộ tham mưu Chính phủ ban hành chế độ thu chi và kế toán đại cương, lập ngân sách toàn quốc, quy định một đơn vị tiền tệ bản vị vàng gọi là đồng Việt, phát hành công phiếu kháng chiến, đặt “Quỹ tham gia kháng chiến”, ban hành Bộ luật thuế trực thu, phát hành công trái quốc gia ghi mệnh giá bằng thóc, đặt “Quỹ công lương” thay thế Quỹ tham gia kháng chiến... 

Đồng chí Lê Văn Hiến là Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Trịnh Văn Bính là Thứ trưởng. Tổ chức bộ gồm: Văn phòng, các phòng sự vụ, các Nha. 

Nha thuế trực thu: Do ông Vũ Ngọc Khuê phụ trách, chịu trách nhiệm thu thuế về lĩnh vực kinh tế. 

Nha thuế quan và gián thu: do ông Nguyễn Lẫm phụ trách, làm nhiệm vụ thu thuế ở các cửa khẩu. 

Nha trước bạ, công sản và điền thổ: do ông Phạm Gia Kính phụ trách, quản lý về đất đai.

Nha hưu bổng: Có nhiệm vụ phát tiền lương hưu cho cán bộ ngành tài chính. 

Nha Thanh tra tài chính: do ông Vũ Ngọc Khuê phụ trách, chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra về tài chính đối với các cơ quan trực thuộc bộ. 

Nha Ngân khố - Tín dụng: Tháng 9-1950, Nha Ngân khố và Nha Tín dụng sản xuất sáp nhập thành Nha Ngân khố - Tín dụng sản xuất. Bộ phận Nha Ngân khố từ Phú Thọ và bộ phận Nha Tín dụng sản xuất từ Vĩnh Yên cùng chuyển đến xóm Dàm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (1950-1951). 

(CÒN NỮA) 

Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục