Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

TQĐT - Bộ Thương binh - Cựu binh

Tháng 7-1947, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn ngày 27-7 hằng năm là ngày thương binh liệt sỹ để đồng bào ta “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh”. Trước đó, ngày 16-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 20/SL ban hành chế độ hưu bổng thương tật đối với thương binh và tiền tuất tử sĩ đối với gia đình liệt sỹ. 

Ngày 19-7-1947, Hội đồng Chính phủ họp tại Sơn Dương ra quyết định thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh, đây là bộ duy nhất của Chính phủ được thành lập trong kháng chiến. Bộ do bác sĩ Vũ Đình Tụng làm Bộ trưởng, cụ Ngô Tử Hạ là Thứ trưởng; (năm 1952, ông Trần Văn Lai là Thứ trưởng thay cụ Ngô Tử Hạ). 

Năm 1947, Bộ ở và làm việc tại xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa. Đầu năm 1951 đến năm 1952, Bộ chuyển đến thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương; cuối năm 1952 đến năm 1954, chuyển đến Ghềnh Quýt, xã Hoàn Long, huyện Yên Sơn (nay là xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang). Tổ chức của Bộ gồm hai khối: 

Khối Văn phòng gồm Phòng Văn thư và các phòng: 

- Phòng Kiểm tra có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra hoạt động chuyên môn của các Ty thương binh cựu binh, do đồng chí Trần Hữu Viễn phụ trách; 

- Phòng Chính trị tổ chức: có nhiệm vụ quản lý nhân sự, công tác tổ chức cán bộ của Bộ và các Ty, do đồng chí Phạm Huy Kinh phụ trách; 

- Phòng Tuyên truyền vận động: làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, do ông Hoàng Quý Chương phụ trách. 
Khối sự vụ gồm: 

- Phòng Quản lý kế toán và vật tư: chịu trách nhiệm quản lý thu chi tài chính và trang thiết bị làm việc của Bộ. Phòng do đồng chí đỗ Duy Thuyên phụ trách.

- Phòng nhân sự và hưu bổng: quản lý về nhân sự và chế độ của thương binh liệt sỹ. 

- Phòng chuyên môn: Có nhiệm vụ chỉ đạo việc cứu chữa và chăm sóc thương binh, liệt sỹ do bác sĩ Đỗ Đào Tiềm phụ trách. 

Thực hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Bộ Thương binh - Cựu binh đã tham mưu với Trung ương Đảng, Chính phủ kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách đối với thương binh, liệt sỹ, chỉ đạo các Ty Thương binh - Cựu binh làm tốt việc đón tiếp, sắp xếp, ổn định đời sống, chăm sóc chu đáo thương binh, bệnh binh tại các trại thương binh. Phong trào đón thương binh về làng được phát động rộng rãi. Một số thương binh sau khi phục hồi sức khỏe đã được dạy nghề đan mây tre, may quần áo, làm mũ, giày dép... Bộ cũng tham mưu Chính phủ có chế độ ưu đãi đối với thương binh xuất ngũ về địa phương như miễn giảm thuế nông nghiệp, miễn dân công nghĩa vụ, ưu tiên chia cấp ruộng đất... giúp thương binh ổn định đời sống. Bộ chỉ đạo tổ chức trao tặng bằng Tổ quốc ghi công cho các gia đình liệt sỹ, cải tạo mộ phần, xây dựng nghĩa trang liệt sỹ ở các địa phương... đảm bảo chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ.                                 
                                                           

                                                                                                   Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục