Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

TQĐT - Việt Nam Thông tấn xã

Từ năm 1952 đến năm 1954, Việt Nam Thông tấn xã chuyển đến Hoàng Lâu, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Việt Nam Thông tấn xã do ông Hoàng Tuấn làm Giám đốc. 

Việt Nam Thông tấn xã có nhiệm vụ thu thập, thẩm định các nguồn thông tin, sưu tầm tư liệu phục vụ lãnh đạo; phát tin, bài cổ động nhân dân tham gia kháng chiến, viết bài bình luận, giải thích chính sách. Ban Biên tập tin có tổ tin thế giới, xuất bản bản tin tham khảo tiếng Pháp. 

Bộ phận Tư liệu lưu giữ văn kiện, báo cáo của Chính phủ. Bộ phận điện vụ, máy móc thô sơ, phải vượt nhiều khó khăn mới thu nhận tin được đầy đủ và kịp thời. Phòng thu tin cố gắng thu tin các đài TASS, AFP, Sài Gòn, mở rộng phạm vi nhận tin từ Liên khu 3, Liên khu 5, các đài lưu động từ các chiến trường. 

Bộ phận điện ảnh - nhiếp ảnh do đồng chí Hồng Nghi phụ trách. Tổ liên lạc nhận tin từ các phóng viên đưa đến Ban Biên tập. Bản tin được in, chuyển trực tiếp đến Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đưa tới các báo, đài phát thanh. 

Ngày 4 - 3 - 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Việt Nam Thông tấn xã. 

Sau hơn hai năm đóng tại Hoàng Lâu, Việt Nam Thông tấn xã hình thành đủ cơ cấu tổ chức của một cơ quan thông tấn, có tin đối ngoại, tin trong nước, tin thế giới, tin phổ biến, tin tham khảo. Bộ phận điện vụ kỹ thuật, bộ phận in và phát hành (gồm liên lạc, đời sống, tư liệu). Phóng viên, kỹ thuật viên được phân công đi chiến dịch. 

Năm 1952, Việt Nam Thông tấn xã lập phân xã Bắc Kinh, phân xã Băng Cốc, phân xã Răng Gun. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Tuấn dẫn đầu tổ phóng viên và tổ nhiếp ảnh ra mặt trận. Đồng thời Việt Nam Thông tấn xã luôn giữ liên lạc vô tuyến với mặt trận, Ban Tuyên huấn mặt trận chuyển tin đến Bác Hồ, Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân. 

Việt Nam Thông tấn xã còn cử phóng viên bên cạnh phái đoàn quân sự ta đàm phán với Bộ Tổng tham mưu quân Pháp tại Trung Giã và có mặt ở Hội nghị Pari. 
                                                                                                                                 (CÒN NỮA)
                                                                                                               Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục