Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

TQOL- Lớp sỹ quan pháo binh khóa I 

Tháng 5-1949, tại làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, Nha Nghiên cứu kỹ thuật khai giảng lớp đào tạo sỹ quan pháo binh khóa I. Lớp học có 51 học viên. Sau đó chuyển về thôn Tiến Thắng, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương. Các môn học gồm: Toán lượng giác, trắc địa (bản đồ, lập bản đồ, sơ đồ), thông tin, xạ kích, xạ thuật, thao tác - binh khí (pháo phòng không 75 mm, pháo bờ biển 75 mm, sơn pháo 75 mm), thuốc nổ, đạn dược, công sự, chiến thuật pháo binh. 

Xong phần lý thuyết, học viên đi thực tập vận chuyển và bắn đạn thật cối 81 mm và cối 187 mm tại Tiểu đoàn 410. Tháng 10-1949, lớp sỹ quan pháo binh khóa I kết thúc. Đó là những sỹ quan pháo binh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

 Trường Quân chính Hoàng Hữu Nam

Tháng 12-1948, Trường Quân chính Hoàng Hữu Nam chuyển đến thôn Đầu Núi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn và đóng quân ở đây cho đến năm 1954. Trường đào tạo, bổ túc cán bộ quân sự chính trị từ cấp tiểu đội đến cấp đại đội, hiệu trưởng là đồng chí Phạm Tiến Thanh. Tháng 4-1949, Trường mở lớp đào tạo cán bộ vận động quần chúng công tác vùng Tây Bắc, trọng tâm chương trình là học tập về đường lối chiến tranh nhân dân, chính sách đoàn kết dân tộc. Tháng 11-1949, Trường trực thuộc Phòng Tham mưu Mặt trận Tây Bắc. 

Cuối năm 1950, Trường mở lớp đào tạo cán bộ chính trị viên đại đội. Cùng thời gian nhà trường khai giảng lớp đào tạo cán bộ pháo binh, công binh, thông tin, tập trung bồi dưỡng cho học viên về binh khí, kỹ thuật, chiến thuật đánh công kiên, vận động chiến và tổ chức diễn tập đánh công đồn có quân ứng cứu. 
Năm 1952, Trường chiêu sinh khóa đào tạo tiểu đội trưởng, trung đội trưởng. Năm 1953, mở lớp đào tạo tiểu đội trưởng bộ đội địa phương. 

Trường Đại học Y khoa (đã giới thiệu trong nội dung về Bộ Y tế)

Xưởng J1 

Tháng 3-1947, Xưởng J1 chuyển đến mỏ Kẽm, xã Tràng Đà, huyện Yên Sơn (nay là xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang); tháng 10-1947 chuyển đến Đô Thượng, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn; năm 1948 chuyển đến Đầm Hồng, xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa. Xưởng do ông Nguyễn Văn Ngọ làm Giám đốc. Lãnh đạo xưởng còn có kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới và ông Nguyễn Quang Lộc, Trưởng Ty Quân giới Liên khu X. 

Phòng Kỹ thuật của Xưởng do kỹ sư Trần Đại Nghĩa cùng ông Đặng Hữu Thập trực tiếp phụ trách. Công việc chính là chế tạo, sản xuất các loại vũ khí như súng và đạn súng cối 60 ly. 

Xưởng J2 (TĐ31) 

Tháng 3-1947, Xưởng J2 chuyển đến mỏ Kẽm, xã Tràng Đà, huyện Yên Sơn (nay là xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang); cuối năm 1947, chuyển đến thôn An Ninh, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa. Xưởng do ông Ngô Gia Khảm làm Giám đốc. Xưởng làm nhiệm vụ lắp lựu đạn, mìn, sản xuất hạt lửa, thuốc đen. Tháng 3-1948, Xưởng J2 chuyển đến thôn Đồng Ba, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên và đổi tên thành Xưởng Quân giới TĐ31, từ năm 1948 đến năm 1952, ở xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa. 

Xưởng TĐ31 điều chế fluminat thủy ngân bằng phương pháp thủ công. Đây là loại thuốc kích nổ hàng đầu, chế ra các loại hạt lửa, ống nổ để lắp đạn, mìn và pháo. Chất này dễ gây tai nạn, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên liệu điều chế fluminat thủy ngân gồm có cồn 96o, axítniníc, diêm tiêu tinh. Bộ phận tiếp liệu tìm nguyên liệu sản xuất thuốc đen từ than củi, diêm tiêu tinh và diêm sinh, lấy loại đất có lẫn phân dơi trong các hang động chế thành diêm tiêu tinh. Xưởng TĐ31 tận dụng suối nước làm thủy điện nhỏ, cơ giới hóa hầu hết các bước sản xuất thuốc đen, đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng thuốc. 

Tháng 9-1948, TĐ31 được tách thành hai xưởng là H51 và H52. Xưởng H51 chuyển về xóm Cây Thị, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn. Xưởng H52 chuyển lên bản Cài, xã Đức Xuân, huyện Na Hang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.                  

                                                                                                                               (CÒN NỮA)
                                                                                                               Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục