Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

-  Xưởng J3 (TĐ75) 

Từ năm 1947 đến năm 1952, Xưởng J3 ở và làm việc tại xã Phú Bình, huyện Chiêm Hóa; đầu năm 1948, chuyển về xã Thái Sơn, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, một bộ phận ở lại Đầm Hồng. Tháng 3-1948, Xưởng J3 chia làm hai bộ phận: một bộ phận ở thôn Thái Bình, xã Thái Sơn, Hàm Yên; một bộ phận chuyển đến thôn Đồng Cạo, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, lấy tên là Xưởng TĐ75, làm việc đến cuối năm 1949. Xưởng TĐ75 do ông Nguyễn Quý Thược phụ trách. Xưởng sản xuất phần cơ khí súng cối 60 mm, 80 mm, 120 mm, lựu đạn và sửa chữa súng bazooka, súng phóng lựu... Vật liệu làm nòng súng cối 60, 80 và 120 mm là trục bánh xe lửa, bình ôxy. 

Cuối năm 1949, Xưởng TĐ75 chuyển đến xã Bình Xa, huyện Hàm Yên. Tháng 11-1948, bộ phận của Xưởng ở Đầm Hồng (vẫn mang tên J3), chuyển về thôn Khuôn Mạ, xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, đến tháng 10-1949, chuyển đi nơi khác. Công việc chính của xưởng là sản xuất phần cơ khí (phần đầu) của lựu đạn và sửa chữa súng. Nguyên vật liệu chế tạo phần cơ khí của lựu đạn chủ yếu là gang đúc, nhôm pha kẽm, ăngtimoan được lấy từ các mỏ Đầm Hồng (Tuyên Quang), Chợ Đồn (Bắc Kạn). 

Xưởng J5 (TĐ64) 

Đây là xưởng sửa chữa pháo duy nhất của Quân giới Liên khu X. Đầu năm 1947, Xưởng J5 chuyển về xã Bình Ca, huyện Yên Sơn (nay là xã Thái Bình, Tiến Bộ, huyện Yên Sơn), sau đó chuyển về thôn Lãng Cư và thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, đổi tên thành Xưởng Quân giới TĐ 64. Quản đốc Xưởng là ông Nguyễn Văn Quế. 

Tháng 9-1947, Xưởng chuyển vào khu vực Gò Lim, xã Quyết Thắng. Thời gian này đã sửa chữa 4 khẩu pháo 75 ly để pháo binh ta đánh tàu chiến địch trong chiến dịch thu - đông 1947, phục hồi khẩu pháo 105 ly trên tàu chiến Pháp bị bắn chìm tại Đoan Hùng. 

Đầu năm 1948, Xưởng chuyển vào thôn Lãng Cư, xã Quyết Thắng. Ngoài việc sửa chữa pháo, xưởng sản xuất các loại mìn, lựu đạn, lưỡi lê. Xưởng nghiên cứu sản xuất thành công lò xo giảm giật, cải tiến pháo cao xạ bắn được ở góc tà âm; sửa chữa, cải tạo, lắp ráp nhiều khẩu sơn pháo 75. Xưởng còn thường xuyên cử một tổ công nhân sửa chữa đi chiến dịch, kịp thời sửa những khẩu pháo bị hỏng hóc. 

Năm 1949, quân Pháp càn quét lên Tuyên Quang. Trung đội tự vệ của Xưởng gài mìn suốt dọc đường từ bờ sông vào thôn Lãng Cư ngăn không để địch đánh vào nhà máy. Tháng 2-1951, Xưởng chuyển về xã Nhân Mục, huyện Hàm Yên, nhiệm vụ chính là sản xuất các loại mìn và sửa chữa pháo các loại. Cuối năm 1951, Bộ Quốc phòng tổ chức lại các xưởng quân giới, Xưởng Quân giới TĐ 64 giải thể, sáp nhập vào các xưởng quân giới khác. 
                                                                                                                  (CÒN NỮA)
                                                                                                  Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục