Cuối năm 1951, Nhà máy MK1 được xây dựng tại thôn Làng Ngòi, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn trên cơ sở tập trung các xưởng TĐ75; TĐ54; H51, H52. Nhà máy MK1 có trên 400 công nhân do ông Nguyễn Quang Lộc làm Giám đốc. Nhà máy gồm có bốn phòng và hai bộ phận sản xuất: Hóa chất và cơ khí. Bộ phận hóa chất làm kíp, sửa vỏ đạn, lựu đạn, nhồi thuốc, chế tạo thuốc nổ. Bộ phận cơ khí sản xuất đạn cối và súng SKZ.
Cuối năm 1955, Nhà máy MK1 chuyển thành Xưởng Z63 với nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất bộ phận thay thế và sửa chữa các loại pháo cối.
Nhà máy sản xuất vũ khí TK1
Tháng 3-1947, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành lập Nhà máy sản xuất vũ khí tại xã Hào Phú, huyện Sơn Dương. Nhà máy có khoảng 800 cán bộ, công nhân, do ông Nguyễn Đình Bắc làm Giám đốc. Nhà máy có các ban: Nông lâm, làm nhiệm vụ tăng gia, tự túc; Ban Thiết kế xây dựng; Ban Tiếp liệu; Ban Đời sống và Y tế; Ban Thông tin tuyên truyền và Ban Sản xuất.
Đến tháng 9-1947, Nhà máy TK1 đã xây dựng được hai cơ sở sản xuất. Khu A tại thôn Khu Di, xã Đông Lợi, huyện Sơn Dương. Khu B, tại thôn Trại Mít, xã Hào Phú, huyện Sơn Dương. Hai khu cách nhau khoảng 6 km. Ban sản xuất làm việc ở Khu A, với khoảng 500 cán bộ, công nhân. Ban sản xuất được chia thành các tổ như: động lực, máy nổ, điện, lò than, vận chuyển, tiện phay, nguội, gò rèn, đúc, tiếp liệu... Khu A sản xuất các loại súng bazooka, súng cối, vỏ lựu đạn.
Các ban còn lại làm việc tại Khu B, có khoảng 300 cán bộ, công nhân. Khu B sản xuất, chế tạo các loại vỏ tầu, thuyền, ca nô, vỏ lựu đạn, bom, mìn, pha chế thuốc nổ.
Tháng 6-1949, tại thôn An Lịch, xã Đông Lợi, Trường Dạy nghề Huỳnh Ngọc Huệ được thành lập. Học sinh của Trường chủ yếu là con em cán bộ, công nhân của các nhà máy, được đưa đến thực hành tại Nhà máy. Sau khi ra trường, học sinh làm việc tại các nhà máy sản xuất vũ khí.
Năm 1951, Nhà máy sản xuất vũ khí TK1 được chuyển giao cho Cục Quân giới và được đổi tên là Nhà máy K88; đến tháng 6-1951, lại chuyển cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý. Giữa năm 1953, Nhà máy K88 chuyển đến Khe Mo, Thái Nguyên.
Xưởng XF21
Tháng 1-1947, Viện Khảo cứu chế tạo dược phẩm thuộc Cục Quân y được thành lập tại Đồn điền Canh Nông, xã Nông Tiến, huyện Yên Sơn (nay thuộc thành phố Tuyên Quang). Thời gian đầu, dược sĩ Vũ Công Thuyết phụ trách, sau là dược sĩ Đỗ Tất Lợi. Tháng 3-1947, một bộ phận của Viện di chuyển sang Yên Thịnh, Bắc Kạn; một bộ phận chuyển đến làng Dùm, xã Nông Tiến, đặt tên là XF21.
Xưởng XF21 có khoảng 30 cán bộ, công nhân do ông Bùi Đình Sang làm Giám đốc. Xưởng sản xuất bông, băng, các loại thuốc: An thần, trợ tim, sát trùng và chống sốt rét cung cấp cho bộ đội.
Xưởng XF21 đã có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn trong sản xuất như: máy cán bông quay tay 4 người; mái nhà phơi bông hai tấm rời, xoay quanh một trục, đóng mở dễ dàng vừa có đủ ánh nắng, vừa tránh được máy bay phát hiện; lò sấy bông bằng gạch hai lớp...
Xưởng còn nghiên cứu, chiết suất Ancolít và Glucozit, củ bình vôi làm thuốc an thần; sản xuất dầu gấc, dầu lạc, thuốc chữa đau mắt, thuốc trợ tim.
Năm 1950, Xưởng XF21 sáp nhập vào Xưởng Quân dược Liên khu X.
(CÒN NỮA)
Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)
Gửi phản hồi
In bài viết