Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

- Trường Mỹ thuật Việt Nam

Trường đặt ở xóm Đình Kính, xã Lang Quán, huyện Yên Sơn. Họa sĩ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng. Giảng viên có các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Sĩ Ngọc, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ. 

Khóa I Mỹ thuật Trung ương có 22 học viên, thời gian học 3 năm (1952 - 1954). Hiệu trưởng Tô Ngọc Vân rất cặn kẽ, khắt khe rèn nghề cho học viên. Ngay sau khi khóa học kết thúc, ông cùng một số văn, nghệ sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chuyến đi này, họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh tại mặt trận. Số học viên cũng không nhiều nhưng sau này hầu hết trở thành những họa sĩ có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Ngô Mạnh Lân, Trọng Kiệm, Lê Lam, Mai Long, Thục Phi, Trịnh Phòng, Trần Đông Lương, Đào Đức, Ngọc Linh... 

Đoàn Văn công nhân dân Trung ương 

Ngày 14-11-1951, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương được thành lập và đóng tại khu đồn điền Canh Nông, Tuyên Quang. Trưởng đoàn là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, hai phó đoàn là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhà viết kịch Thế Lữ. Chính trị viên là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng và nhà viết kịch Chu Văn Tập (Học Phi). 

Đoàn Văn công nhân dân Trung ương có: Tổ chèo, Tổ kịch, Tổ ca nhạc với các nghệ sĩ, nhạc sĩ: Thế Lữ, Thái Ly, Mai Khanh, Cả Tam, Dịu Hương, Trần Bảng, Lưu Quang Thuận, Trần Hoạt, Trần Huyền Trân, Lê Yên, Nguyễn Đình Tích, Thương Huyền, Lê Lôi. Trong điều kiện sinh hoạt gian khổ, thiếu thốn, nhưng các nhạc sĩ, nhà biên đạo, nghệ sĩ vẫn say mê sáng tác, sưu tầm, khai thác, tập luyện và biểu diễn nhiều tác phẩm có giá trị và ý nghĩa sâu sắc. Từ Nông Tiến, Đoàn đã mang những tiết mục văn nghệ đi phục vụ các chiến trường, động viên các chiến sỹ đang dũng cảm chiến đấu. 

Nhà in Quốc gia Việt Nam 

Nhà in Quốc gia Việt Nam thuộc Nha Thông tin tuyên truyền, thành lập tháng 10-1952, đóng tại xã Lang Quán, huyện Yên Sơn; tháng 2-1953, chuyển đến thôn Đồng Cận, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương. Nhà in Quốc gia được tổ chức trên cơ sở thống nhất và sắp xếp lại những cơ sở in của các báo Nhân dân, Cứu quốc, Độc lập, Lao động và Quốc gia ấn thư cục. Nhà in Quốc gia Việt Nam có hơn 100 cán bộ, công nhân do đồng chí Tố Hữu phụ trách; ông Dương Văn Tường làm Giám đốc điều hành. 

Nhà in Lê Hồng Phong 

Năm 1948, một bộ phận của Nhà in Lê Hồng Phong chuyển đến thôn Miếu Chạm, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn. Nhà in Lê Hồng Phong trực thuộc Trung ương Đảng, nhiệm vụ chủ yếu là in tài liệu, văn kiện, báo Đảng và tài liệu của các cơ quan. 

Tháng 5 - 1948, Hội nghị Sự thật được tổ chức ở Nhà in Lê Hồng Phong, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng đến dự. Hội nghị bàn việc củng cố các cơ sở in, mở rộng việc in báo Đảng ra các Liên khu, đào tạo công nhân ngành in... 

Đầu năm 1949, toàn bộ Nhà in Lê Hồng Phong chuyển đến thôn Miếu Chạm. Thời gian này, Nhà in phải tự sản xuất giấy bằng phương pháp thủ công. 

Tháng 6-1949, Tổng Bí thư Trường Chinh đến thăm Nhà in. Đầu năm 1950, Chính phủ quyết định sáp nhập Cơ sở ấn loát 3, Bộ Tài chính vào Nhà in Lê Hồng Phong. Ông Vũ Quốc Định làm Quản đốc; cán bộ, công nhân có khoảng 60 người. 

Tháng 2-1951, Nhà in Lê Hồng Phong cử công nhân, đem theo máy in cùng giấy, mực đầy đủ, phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng. 

Nhà in Tô Hiệu 

Cuối năm 1949, Nhà in Tô Hiệu chuyển đến xóm 2, thôn Sơn Hạ, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn. Tại Sơn Hạ, Nhà in Tô Hiệu có 50 công nhân, ông Nguyễn Văn Ngô làm Quản đốc. 

Đầu năm 1950, nhà in của Bộ Tài chính sáp nhập vào Nhà in Tô Hiệu. Nhà in được trang bị thêm máy móc. Trước khi Nhà in Tô Hiệu chuyển đến xã Xuân Vân, Tiểu ban Tài chính Trung ương đã xây dựng Xưởng giấy Hoàn Tiến đặt tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn. Xưởng này cung cấp giấy cho Nhà in Tô Hiệu. 

Thời kỳ đầu, Nhà in Tô Hiệu trực thuộc Trung ương Đảng, nhiệm vụ chủ yếu là in tài liệu văn kiện của Trung ương. Tháng 10-1952, Nhà in Quốc gia thành lập, Nhà in Tô Hiệu trực thuộc Nhà in Quốc gia. Từ đây, Nhà in mở rộng phạm vi hoạt động, in thêm sách giáo khoa, in báo Văn nghệ, báo Lao động... 

Nhà in báo Cứu quốc 

Tháng 5-1947, Nhà in Báo Cứu quốc chuyển đến thôn Cây Mơ, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương. Ông Nguyễn Văn Hải phụ trách chung, họa sĩ Trần Đình Thọ phụ trách trình bày mặt báo. Thời kỳ này, báo Cứu quốc là tờ báo duy nhất xuất bản hằng ngày. Lượng phát hành mỗi số từ 2.000 đến 5.000 bản. Trong một số trường hợp, do yêu cầu lượng báo xuất bản tăng đột biến, ngoài tăng giờ làm, Nhà in còn sử dụng kỹ thuật in đá có từ hồi trước cách mạng. 

Năm 1952, Nhà in báo Cứu quốc sáp nhập vào Nhà in Quốc gia.   

                                                                                               Vũ Bé
                                                                               (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục