Tuyên Quang - Thủ đô Kháng chiến

- Tháng Tám năm 1945, cách mạng thành công, Việt Nam giành được độc lập sau hơn tám mươi năm bị ngoại xâm đô hộ. Nhưng ngay trong tháng 9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, hòng đặt lại ách thống trị đã bị lật đổ. Một lần nữa, nhân dân ta phải đứng lên cầm súng bảo vệ nền độc lập vừa giành được. 

Cuộc kháng chiến bắt đầu trong thế chênh lệch về lực lượng giữa ta và địch. Bộ đội ta còn non trẻ, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự thiếu thốn, Nhà nước mới thành lập, kinh tế, tài chính hết sức khó khăn. Song chính nghĩa, sức mạnh tinh thần thuộc về nhân dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với lòng yêu nước nồng nàn, quyết không cam tâm làm nô lệ, toàn thể dân tộc Việt Nam từ Nam đến Bắc đoàn kết một lòng đứng lên kháng chiến. Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng suốt đề ra đường lối kháng chiến trường kỳ, kháng chiến toàn dân, toàn diện, tiến hành phương thức chiến tranh nhân dân, đồng thời đề ra những quyết sách cụ thể trong từng giai đoạn. 

Ngay từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sẽ phải xảy ra.

Rời Thủ đô Khu giải phóng về Hà Nội, Người đã cử cán bộ ở lại tiếp tục củng cố Thủ đô Khu giải phóng. Trước hành động xâm lược ngày càng trắng trợn của thực dân Pháp, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị khẩn trương xây dựng An toàn khu. Đó không phải nơi nào khác mà chính là căn cứ địa Việt Bắc, địa bàn từng có vai trò đặc biệt quan trọng trong Cách mạng Tháng Tám với đồng bào các dân tộc một lòng theo cách mạng và những thuận lợi về vị trí địa lý, địa hình. Kháng chiến bùng nổ, một trong những quyết sách hết sức sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ động “thiên đô”, chuyển cơ quan đầu não và bộ máy nhà nước, cùng toàn bộ tiềm lực kinh tế, quốc phòng và các đơn vị chủ lực lên Việt Bắc, trọng tâm là An toàn khu. Cuộc tổng di chuyển trước hết đã bảo toàn cơ quan đầu não và chủ lực để từ đó lãnh đạo và tiến hành cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc. 

Trong tám năm, từ tháng 4-1947 đến tháng 8-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Tổng Tư lệnh tối cao của cuộc kháng chiến đã có 18 lần chuyển nơi ở và làm việc tại 11 địa điểm trên đất Tuyên Quang với thời gian gần 6 năm. Trong đó, Lũng Tẩu, Phú An, Khuôn Điển hai lần, Khấu Lấu, Hang Bòng ba lần. 

Từ căn lán đơn sơ bên bờ sông Phó Đáy hay hang đá trên núi Bòng, những quyết định, chỉ thị, mệnh lệnh được truyền đi khắp cả nước dẫn dắt con đường cách mạng Việt Nam: 

“Người ngồi đó, với cây chì đỏ 
Vạch đường đi, từng bước, từng giờ”. 

         (Sáng tháng Năm - Tố Hữu) 

Mỗi người dân Việt trên khắp mọi miền đất nước hướng về Việt Bắc, hướng về Trung ương Đảng, Chính phủ, tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến: 

“Ở đâu đau đớn giống nòi 
Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”. 

                    (Việt Bắc - Tố Hữu)  
               
                                                                                                       Vũ Bé
                                                                                   (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục