Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Đầu năm 1947, đồng chí Tôn Đức Thắng lên Việt Bắc, ở làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương; cuối năm 1949, chuyển đến thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương; cuối năm 1950, chuyển đến làng Hương, xã Phúc Thịnh, rồi xã Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa; từ cuối năm 1952 đến tháng 8-1954, ở thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Trong khoảng thời gian này, tháng 12-1953 đồng chí chuyển đến thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, mấy tháng sau thì trở về Chi Liền.
Với cương vị Quyền trưởng Ban Thường trực Quốc hội, đồng chí Tôn Đức Thắng cùng Ban Thường trực chủ trì các kỳ họp Quốc hội, Ban Thường trực Quốc Hội, dự các kỳ họp, làm việc với Hội Đồng Chính Phủ: Cuộc họp giữa Ban Thường trực Quốc hội với Hội đồng Chính phủ tại Đèo De (Tân Trào) năm 1948; họp Ban Thường trực Quốc hội ở Tân Trào năm 1949; kỳ họp đại biểu Quốc hội tại Tân Trào đầu tháng 12-1953, kỳ họp này đã thảo luận về chủ trương cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”; kỳ họp của Hội đồng Chính phủ tại Kim Quan tháng 7-1954.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương.
Đầu tháng 3-1951, Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Mặt trận Liên - Việt.
Trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Liên - Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi Đại hội liên minh nhân dân ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, tháng 3-1951. Chủ tịch Tôn Đức Thắng còn được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Xô - Trung; đồng thời còn giữ nhiều cương vị quan trọng: Từ tháng 4-1947 đến tháng 2-1948, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ; tháng 8-1947, đảm nhận nhiệm vụ Thanh tra đặc biệt toàn quốc; sang năm 1948, làm Trưởng Ban Vận động Thi đua ái quốc Trung ương.
Ban Thường trực Quốc hội
Ban Thường trực Quốc hội làm việc tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang: Huyện Sơn Dương gồm: Xã Minh Thanh (1947 - 1948), Yên Thượng, xã Trung Yên (1949 - 1950), Chi Liền, xã Trung Yên (1952 - 1954); huyện Chiêm Hóa gồm: Xã Kiên Đài (cuối năm 1950, đầu năm 1951), xã Kim Bình (đầu năm 1951), xã Xuân Quang (1951 - 1952), xã Phúc Thịnh (1952).
Thời kỳ đầu, Ban Thường trực Quốc hội do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban, đồng chí Tôn Đức Thắng làm Phó ban. Cuối năm 1948, do cụ Bùi Bằng Đoàn bị ốm nặng, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử giữ chức Quyền Trưởng ban. Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội gồm các vị: Tôn Quang Phiệt (Tổng Thư ký), Hoàng Quốc Việt, Trần Văn Cung, Trần Huy Liệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thị Thục Viên.
Với trọng trách là cơ quan lập pháp, Ban Thường trực Quốc hội tham dự nhiều phiên họp Hội đồng Chính phủ và nhất trí để Hội đồng Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng về bổ nhiệm cán bộ cao cấp và thành lập các cơ quan của Chính phủ, như Sắc lệnh số 206-SL ngày 19-8-1948 về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao; Sắc lệnh số 126-SL ngày 4-11-1949 quy định nghĩa vụ quân sự cho nam công dân từ 18 đến 45 tuổi.
Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)
Gửi phản hồi
In bài viết