Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

- Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân (1954 - 1957) 

Tình hình kinh tế, chính trị sau chiến tranh 

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954), Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang thực hiện công cuộc khôi phục, chuẩn bị điều kiện phát triển kinh tế trong điều kiện có nhiều khó khăn. Do tác động của chiến tranh, hơn 2.000 mẫu ruộng bị bỏ hoang, vụ mùa năm 1954 bị thiên tai, sâu bệnh làm mất trắng 2.313 ha lúa. Nạn đói chưa được khắc phục triệt để lại càng trầm trọng hơn, đợt giáp hạt tháng 3-1955, ở 151 xã có 3.651 hộ gia đình với 14.543 nhân khẩu bị đói, rét, nhiều người bị chết. Trình độ sản xuất, dân trí thấp kém, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn tồn tại. Tình hình cán bộ, đảng viên của tỉnh có nhiều biến động, cấp ủy, Ủy ban hành chính các cấp đều thiếu cán bộ; tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, muốn được nghỉ ngơi sau chiến tranh còn tồn tại trong một số cán bộ và nhân dân. 

Từ giữa năm 1954, Tuyên Quang đẩy mạnh tăng gia sản xuất, đóng góp hàng vạn ngày công làm cầu, đường, giúp đỡ các cơ quan Trung ương về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Phục vụ việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ, trong những tháng cuối năm 1954, nhân dân Tuyên Quang góp 17.791 ngày công xây dựng 106 ngôi nhà, cung cấp hơn 5 tấn thịt, 27 tấn rau, đỗ các loại, chuẩn bị cho việc trao trả 3.000 tù, hàng binh Âu - Phi; đồng thời sôi nổi tham gia các hoạt động đòi đối phương phải thi hành Hiệp định Giơnevơ, tham gia phong trào phản đối Mỹ âm mưu mở hội nghị khối Đông Nam Á tại Băng Cốc (Thái Lan). Từ tháng 4 đến tháng 6-1955, toàn tỉnh đã thu thập được hơn 10.000 bản kiến nghị về chống vũ khí nguyên tử, 80.435 người (72% dân số) đã ký kiến nghị đòi cấm bom nguyên tử. 

Chống địch dụ dỗ, cưỡng ép giáo dân về xuôi và di cư vào Nam 

Nhằm phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, chia cắt lâu dài đất nước ta, ngay sau khi chiến tranh vừa chấm dứt, kẻ địch đã dấy lên chiến dịch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào, nhất là những người theo đạo Thiên chúa di cư vào Nam. Ở Tuyên Quang, bọn phản động và tay sai của đế quốc từ các tỉnh miền xuôi lên đã lợi dụng lòng sùng đạo, tình cảm quê hương, sự khó khăn về kinh tế của một số gia đình giáo dân... để lôi kéo, dụ dỗ họ về xuôi; từ đó thực hiện tiếp bước thứ hai là dụ dỗ, cưỡng ép họ di cư vào Nam. Luận điệu phản động của địch đã gây tâm lý căng thẳng trong đồng bào giáo dân, đã có 175 gia đình với 544 nhân khẩu về xuôi. 

Với phương châm đấu tranh kiên quyết, chủ động, nhẫn nại, lâu dài, nhiều đoàn cán bộ của tỉnh được cử xuống các vùng trọng điểm, thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân, kịp thời nắm bắt tình hình, xây dựng cốt cán cho cơ sở. Bằng những biện pháp khẩn trương, mềm dẻo nhưng kiên quyết, chúng ta đã phá tan âm mưu của địch. Hơn 300 gia đình có ý định về xuôi đã yên tâm ở lại xây dựng quê hương mới, tình hình các xứ đạo được ổn định, đồng bào yên tâm sản xuất, tin tưởng vào Đảng, Chính phủ.                                                       

                                                                                        Vũ Bé  (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục