Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

- Khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân

Tháng 1-1956, tỉnh tổ chức cuộc “Đại vận động thi đua sản xuất vụ đông - xuân 1955 - 1956”. Hàng ngàn cán bộ tham gia vận động, giúp đỡ nhân dân chống hạn, chống rét, cứu được hơn 3.000 ha lúa chiêm. Năm 1956, toàn tỉnh đã cấy được 21.983 ha lúa, thu 47.995 tấn thóc, trồng 5.713 ha cây hoa màu (chủ yếu là cây sắn), 790 ha cây công nghiệp, chăn nuôi được 39.200 con trâu, gần 50 nghìn con lợn và đã cung cấp cho đồng bằng 3.097 con trâu, bò. 

Năm 1958, hạn hán kéo dài suốt vụ đông - xuân, gối sang vụ mùa. Trung tuần tháng 6-1958, ngoài lực lượng tăng cường từ trước, tỉnh đã trưng tập 126 cán bộ xuống giúp các xã phòng, chống hạn. Ở Vĩnh Lợi (Sơn Dương) nhân dân đã gánh 29.444 gánh nước, huy động hàng nghìn ngày công tát nước tưới cho 60% diện tích mạ. Các chi đoàn huy động đoàn viên, thanh niên gánh hàng vạn gánh nước tưới mạ. Trong thời gian cấy lúa, toàn tỉnh đã sửa chữa, làm mới 2.091 công trình thủy lợi nhỏ, đảm bảo tưới nước cho 9.559 mẫu. Phong trào cải tiến, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất bắt đầu được mở rộng. Hơn 70% diện tích lúa được bón phân với mức bình quân 3,5 tấn/ha. 

Các ngành kinh tế khác từng bước phát triển. Sản xuất lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông - vận tải, hoạt động lưu thông, phân phối đi dần vào ổn định, tích cực phục vụ sản xuất nông nghiệp, khôi phục kinh tế. Năm 1955, hơn 10 nghìn nhân công tham gia hai đợt khai thác gỗ làm tà vẹt, sản xuất được 60.000 thanh tà vẹt, trên 2.000 m3 gỗ cầu (nhóm tứ thiết) đảm bảo quy cách kỹ thuật phục vụ việc phục hồi tuyến đường sắt Hà Nội - Yên Bái - Lào Cai. Năm 1956, tỉnh thành lập 312 tổ khai thác lâm sản với 3.440 lao động, khai thác 60.374 m3 gỗ, điều tra thám sát 79.154 ha và khoanh nuôi 30.110 ha rừng; giá trị sản lượng khai thác lâm sản đạt mức tương đương 10.405 tấn thóc. 

Trong năm 1957, đã xây dựng thêm 45 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Toàn tỉnh có 130 cơ sở sản xuất thủ công nghiệp với các ngành, nghề chính là cơ khí, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng... 

Phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, giáo dục phổ thông từng bước mở rộng. Tới cuối năm 1957, toàn tỉnh có 120 trường cấp I với 5.828 học sinh, 11 trường cấp II với 731 học sinh, 60% số người trong độ tuổi học tập được công nhận thoát nạn mù chữ. Tỉnh khánh thành Nhà Văn hóa thị xã, mở phòng triển lãm, mở cuộc thi sáng tác văn nghệ, củng cố 45 đội văn nghệ cơ sở. 

Chỉ trong 6 tháng cuối năm 1955, cán bộ y tế đã về 92 xã, phát hơn 10 vạn viên thuốc, chữa bệnh cho 4.853 người, cứu sống 149 bệnh nhân bị sốt rét ác tính, tiêm phòng bệnh tả, đậu mùa cho hơn 8 vạn người (50% dân số). Các trạm xá, bệnh viện khám, chữa bệnh cho 19.330 lượt người. Tỉnh đào tạo, huấn luyện 471 y tá, hộ sinh, cứu thương và vệ sinh viên. Năm 1956, các xã xây dựng 116 ban phòng bệnh xã, 520 túi thuốc xóm, đào tạo 130 y tá xã, 105 hộ sinh và 1.362 vệ sinh xóm. 

Tỉnh thành lập Ban Lãnh đạo công tác vùng cao, nắm chắc tình hình để định hướng kế hoạch hướng dẫn sản xuất cho phù hợp với từng vùng, đẩy tới một bước việc thực hiện toàn diện chính sách dân tộc của Đảng. Năm 1957, đầu năm 1958, toàn tỉnh đã có 362 cán bộ thoát ly, công nhân, viên chức là người dân tộc (chiếm 28% tổng số), 66% cán bộ xã là người dân tộc (1.377/2.086 người)...  

(CÒN NỮA)

Vũ Bé
(Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục