Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

- Cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và kinh tế tư bản tư doanh (1958-1960) 

Hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ 

Sau khi hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế, cùng cả miền Bắc, Tuyên Quang bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa với những thuận lợi: Hệ thống chính trị đã được củng cố, nhân dân có tinh thần cách mạng; tình hình kinh tế đã được cải thiện, quyền làm chủ ruộng đất của nông dân đã được xác lập, lực lượng quần chúng lớn mạnh, tích cực ủng hộ các nhân tố xã hội chủ nghĩa đã hình thành trong các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, khó khăn cũng rất nhiều: Trình độ dân trí còn thấp, dân cư và ruộng đất phân tán; phong trào tổ đổi công có mặt chưa ổn định. Một số xã chưa qua phát động quần chúng giảm tô, do đặc thù của vùng núi với nhiều dân tộc nên vấn đề cải cách dân chủ chưa được giải quyết triệt để. 

Năm 1958, Tuyên Quang bước đầu cải tạo kinh tế nông nghiệp theo con đường xã hội chủ nghĩa. Việc củng cố, phát triển phong trào tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp được coi là “đòn bẩy thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp”. Đầu vụ mùa năm 1958, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được thành lập tại thôn Dàm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn với 29 hộ, 82 nhân khẩu, 60 lao động, có 47 mẫu ruộng (toàn bộ 29 hộ của thôn đã tham gia tổ đổi công từ năm 1951). Cuối năm 1958, toàn tỉnh có 9 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Nhiều kinh nghiệm được đúc kết qua đợt thí điểm để áp dụng cho thời kỳ mở rộng phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. Các cơ sở quốc doanh trong sản xuất nông nghiệp (Nông trường Sông Lô, Nông trường Tháng Mười, Nông trường Tân Trào) được thành lập đã góp phần đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp. 

Tháng 1-1959, tỉnh thành lập Ban Công tác nông thôn và hợp tác hóa nông nghiệp do đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Tới cuối năm 1959, toàn tỉnh có 2.699 tổ đổi công gồm 14.366 hộ nông dân (chiếm 62,24% số hộ), phong trào hợp tác xã phát triển ở 113/160 xã với 354 hợp tác xã gồm 6.350 hộ (chiếm 27,8% số hộ), đã thí điểm đưa 13 hợp tác xã bậc thấp lên hợp tác xã bậc cao. Vùng nông thôn có 62 hợp tác xã tín dụng, 103 xã đã có cơ sở hợp tác xã mua bán. 

Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ. Từ tháng 10-1959, đến tháng 10-1960 tỉnh đã tiến hành ba đợt vận động hợp tác hóa nông nghiệp, phát triển sản xuất kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ. Cuối năm 1960, Tuyên Quang cơ bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Toàn tỉnh đã thành lập 770 hợp tác xã (trong đó vùng thấp có 706 hợp tác xã, chiếm 99,5% số hộ; vùng cao có 64 hợp tác xã, chiếm 61,1% số hộ nông dân trong vùng; vùng Thiên chúa giáo có 38 hợp tác xã, chiếm 55,9% số hộ giáo dân) với 19.378 hộ xã viên (chiếm 84,31% tổng số hộ nông dân), trong đó có 173 hợp tác xã bậc cao với 4.709 hộ xã viên) và 167 hợp tác xã nông - lâm nghiệp. Tỉnh có 159 hợp tác xã đạt giá trị ngày công từ 7 đến 13 kg thóc, điển hình nhất là hợp tác xã Thanh La (nay là Minh Thanh, Sơn Dương). 

Hàng nghìn công trình thủy lợi nhỏ và vừa, một số công trình có sức tưới tiêu lớn tiếp tục được xây dựng. Từ tháng 10-1958 đến tháng 1-1959, đã đầu tư 85.372 ngày công, 86.922.687 đồng để đào đắp 48.481m3 đá, hoàn thành công trình trung thủy nông Trung La có sức tưới 1.000 mẫu ruộng. Phong trào cải tiến kỹ thuật trên một số mặt chủ yếu của sản xuất nông nghiệp như cấy dày, chọn giống mới, làm phân xanh, cải tiến công cụ lao động... bắt đầu phát triển.                              

                                                                                       Vũ Bé  (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục