Cuộc chỉnh huấn mùa xuân năm 1961 là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn về thi đua lao động sản xuất, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong tất cả các cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã. Phong trào “Sông Lô nổi sóng, giành đông - xuân đại thắng”, “Thi đua đuổi kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong”, “thi đua với Duyên Hải”, cuộc vận động “Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, được phát động trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường.
Các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp phát động phong trào thi đua cải tiến quản lý xí nghiệp và xây dựng chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động, xây dựng tổ chức đảng, quần chúng mạnh mẽ trong các cơ sở kinh tế. Các tổ chức quần chúng, các ngành có nhiều phong trào thi đua hướng về mục tiêu “Vì chủ nghĩa xã hội, vì sự nghiệp thống nhất nước nhà”. Công đoàn có phong trào “Ba cải tiến”, thanh niên có phong trào “Xung phong tình nguyện”, phụ nữ có phong trào thi đua “Năm tốt”, ngành giáo dục có phong trào thi đua “Hai tốt”,... Toàn tỉnh hưởng ứng phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba nhất, tiếng trống Bắc Lý” của toàn miền Bắc.
Trong 2 năm (1961 - 1962), các cơ quan, xí nghiệp có 2.143 sáng kiến, bầu chọn 86 tổ sản xuất tiên tiến, 178 chiến sỹ thi đua, 2.979 lao động tiên tiến. Năm 1962, có 28 đơn vị, xí nghiệp hoàn thành kế hoạch nhà nước trước thời hạn từ 40 đến 70 ngày.
Các trường học, tổ đội sản xuất, cửa hàng... mang tên Bình Thuận lần lượt ra đời ở thị xã Tuyên Quang, Yên Sơn, Hàm Yên, Nông trường Sông Lô... Trong 2 năm (1961-1962), có 319 cuộc mít tinh, 180.597 chữ ký trong 1.269 bản kiến nghị gửi Ủy ban Giám sát quốc tế đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơnevơ, lên án những hành động tội ác của chúng.
Trong tháng đấu tranh chống Mỹ - Diệm nhân ngày 20-7-1962, nhiều điển hình về lao động sản xuất ra đời: Hợp tác xã Hòa An, Tân An (Chiêm Hóa), hợp tác xã Ỷ La (Yên Sơn), nông trường Sông Lô, Tân Trào, công trường làm đường Chiêm Hóa - Na Hang...
Năm 1963, trong các đợt vận động, toàn tỉnh phát hành 18.000 cuốn sách, 18.000 khẩu hiệu bướm, 2.000 bản hiệu triệu, tổ chức 3.000 cuộc nói chuyện về miền Nam cho trên 200.000 lượt người nghe; 92.318 người ký tên trong các kiến nghị phản đối Mỹ - Diệm. Các cơ quan, xí nghiệp có phong trào “Ngày thứ 7 đẩy mạnh sản xuất vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc” và phong trào làm thêm giờ với khẩu hiệu “Nam đổ máu, Bắc đổ mồ hôi”. Nông dân đẩy mạnh làm thủy lợi và đường giao thông.
Đầu năm 1961, tỉnh đón tiếp 467 Việt kiều từ Tân Thế Giới và Thái Lan về tham gia xây dựng đất nước. Ngày 21-10-1961, hai tỉnh Tuyên Quang và Ninh Bình làm lễ kết nghĩa, nhằm phát huy những thuận lợi vốn có của mỗi tỉnh. Các hộ nông dân khai hoang đầu tiên của Ninh Bình lên được đón tiếp chu đáo tại xã Tràng Dương (Hàm Yên). Sau Ninh Bình, các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Đông, Hải Phòng, Hưng Yên... cũng lần lượt đưa dân lên Tuyên Quang. Thành lập hợp tác xã nhỏ, xen ghép đồng bào địa phương, là sự lựa chọn bước đi ban đầu đúng đắn để đồng bào giúp đỡ lẫn nhau, ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Tuyên Quang là tỉnh có phong trào khai hoang khá nhất trong vùng Việt Bắc. Đến năm 1964 đã có 15.000 người lên khai hoang, hình thành 77 hợp tác xã và 14 đội sản xuất xen ghép với các hợp tác xã của địa phương, khai hoang được 2.193 ha ruộng đất.
Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)
Gửi phản hồi
In bài viết