Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

- Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân

Xúc tiến mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, ba lĩnh vực trọng yếu nhất được tỉnh tập trung đầu tư là thủy lợi, các cơ sở sản xuất công nghiệp và giao thông, vận tải, bưu điện. Trong 5 năm, tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản đạt 10.952.600 đồng, trong đó xây dựng cơ bản thuộc khu vực sản xuất chiếm 72,32% (7.921.100 đồng), đầu tư cho xây dựng thủy lợi chiếm 20,7% (2.268.500 đồng). 

Thực hiện đề án quy hoạch thủy lợi, hệ thống thủy nông ngày càng được củng cố, mở rộng. Trong năm 1964, các công trình trung thủy nông: Đồng Quý, Thái Bình, Trường Tiến, Vĩnh Lợi, Thanh La, Đạo Viện được đưa vào sử dụng. Năm 1965, đã hoàn thành kế hoạch thủy lợi và tiếp tục xây dựng thêm 17 công trình thủy nông mới. Toàn tỉnh có 20 công trình trung thủy nông, 150 máy bơm; diện tích lúa được tưới nước là 24.863 ha, bằng 145% năm 1961. 

Trên lĩnh vực công nghiệp, đầu tư xây dựng cơ bản trong 5 năm đạt 2.033.800 đồng, chiếm khoảng 18,56% tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản. Tháng 7-1961, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Công nghiệp. Nhiều cơ sở, nhiều ngành công nghiệp mới như điện lực, cơ khí, chế tạo, công nghiệp khai thác (lâm sản và khoáng sản), vật liệu xây dựng... ra đời. Tới năm 1964, công nghiệp địa phương đã có 11 ngành, nghề. Các sản phẩm công nghiệp, thủ công nghiệp ngày càng phong phú, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đời sống của nhân dân, cung cấp nguyên, vật liệu cho công nghiệp Trung ương. Trong 5 năm, Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này 2.730.800 đồng, chiếm 24,93% tổng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản. Trong 2 năm (1961 - 1962), làm mới 42 km đường ô tô, sửa chữa và mở rộng 236 km đường cũ. Tới năm 1963, có 6 trục đường trọng yếu: Quốc lộ 2, đường 13 A, đường Km 31 - Chiêm Hóa - Na Hang, Na Hang - Bản Lãm, Chiêm Hóa - Minh Đức, Phúc Ứng - Sơn Nam. Giao thông phát triển đã khắc phục được sự chia cắt giữa các vùng, tạo sự liên kết, thống nhất địa bàn. 

Vụ mùa năm 1961, vụ đông - xuân 1962 - 1963, vụ mùa năm 1963 đều bị hạn hán lớn, lũ lụt và sâu, chuột phá hoại nghiêm trọng trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn về mùa màng. Ở Na Hang và Chiêm Hóa, có nơi thiệt hại tới 50% diện tích gieo cấy. Tuy vậy, nhân dân vẫn phấn đấu đạt một số mục tiêu cơ bản của sản xuất nông nghiệp. Trong 2 năm (1961 - 1962), bình quân hằng năm, diện tích lúa tăng 6,3%, diện tích hoa mầu và cây công nghiệp tăng 20,8%. 

Từ năm 1964, mặc dù phải chuyển hướng để đối phó với tình hình Mỹ âm mưu mở rộng chiến tranh, Tuyên Quang vẫn hoàn thành kế hoạch năm 1965 với những thắng lợi cơ bản trên mặt trận kinh tế.

                                                                                Vũ Bé  (Theo các tài liệu lịch sử) 

Tin cùng chuyên mục