Việc củng cố hợp tác xã được tiến hành đồng bộ, toàn diện trên các mặt: Giáo dục chính trị, tư tưởng, ổn định tổ chức hợp tác xã. Toàn tỉnh có 641 hợp tác xã, thu hút 96,7% số hộ nông dân. Đã vận động 2.124 hộ (trong tổng số 2.145 hộ du canh, du cư) định canh, định cư, tham gia sản xuất trong 114 hợp tác xã. Toàn tỉnh có 41 hợp tác xã và 10 xã đạt năng suất 5 tấn/ha, 111 hợp tác xã đạt năng suất trên 4,2 tấn/ha.
Năm 1972, năng suất lúa bình quân đạt 21,34 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực (quy thóc) đạt 85.305,8 tấn, các chân ruộng hai vụ đạt năng suất 4,4 tấn/ha. Các loại cây thực phẩm đều xấp xỉ đạt mức kế hoạch đặt ra, việc trồng cây công nghiệp có chuyển biến tốt. Chăn nuôi đã được chú ý đưa dần từng bước lên thành ngành sản xuất chính. Phong trào chăn nuôi gia đình được giữ vững. Toàn tỉnh có 63.741 con trâu, 111.231 con lợn.
Nghề rừng được chú ý. Bước đầu thực hiện chỉ tiêu trồng 90.000 ha bồ đề do Trung ương giao, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo khu kinh tế lâm nghiệp, tiến hành điều tra, quy hoạch đất rừng và trồng được 700 ha rừng. Giá trị tổng sản lượng thủ công nghiệp tăng 1,7 lần so với năm 1971.
Trong chiến tranh, công tác phân phối, lưu thông vẫn giữ vững sự ổn định về thu, chi ngân sách và cung cấp hàng hóa. Mức thu mua nông sản vượt kế hoạch 8%, tổng giá trị hàng hóa bán ra đạt 99,3% kế hoạch. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, mạng lưới y tế xã được củng cố.
Chất lượng giảng dạy, học tập, rèn luyện sức khỏe và tu dưỡng đạo đức trong các trường học vẫn đảm bảo. Hoàn thành việc điều tra, phân loại trình độ văn hóa của bốn vùng thuộc các vùng dân tộc để chuẩn bị cho chương trình cải cách giáo dục.
Chi viện chiến trường
Ngày 2 - 1 - 1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tại Pari. Mỹ buộc phải rút hết quân đội và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Tại Tuyên Quang, các vùng kinh tế tiếp tục được quy hoạch, xây dựng. Vùng kinh tế nông nghiệp phía Nam đã hình thành khá rõ nét. Các hợp tác xã ở vùng này được củng cố. Nhiều trạm, trại kỹ thuật, các điểm cơ khí được xây dựng. Các nông trường quốc doanh Tháng Mười, Sông Lô, Tân Trào... đóng vai trò quan trọng trong việc tạo vùng chuyên canh cây công nghiệp.
Trong điều kiện hòa bình, có sự đầu tư lớn về vốn, lao động, có tiến bộ trong cải tiến kỹ thuật, thâm canh, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển. Vụ mùa năm 1974, năng suất lúa đạt 25 tạ/ha, là năng suất cao nhất từ trước tới thời điểm đó. Tỉnh có 7 xã và 51 hợp tác xã đạt năng suất 5 tấn/ha/năm. Năm 1973 so với năm 1968, giá trị tổng sản lượng lương thực tăng 33% (đạt 91% mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ V đề ra), diện tích cây lương thực tăng 3.000 ha, năng suất bình quân trên một héc ta hai vụ tăng 8 tạ, tổng sản lượng lương thực đạt 82.000 tấn, tăng 26,8%; diện tích, sản lượng cây lương thực chủ yếu như chè, sả, dứa, mía... đều tăng so với trước. Năm 1974, kể cả diện tích cũ và trồng mới, có 2.987 ha chè, 781 ha sả. Chăn nuôi giữ được mức ổn định với số lượng năm 1974 là 68.825 con trâu, 118.277 con lợn, gần 80 vạn gia cầm.
Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)
Gửi phản hồi
In bài viết