Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

- Hàng vạn thanh niên tình nguyện đi xây dựng Nông trường 26 - 3, Khu kinh tế mới Nam Sơn Dương và làm đường giao thông, thủy lợi, v.v... Năm 1974, toàn tỉnh khai hoang, phục hóa 738 ha ruộng đất; huyện Sơn Dương huy động 800 đoàn viên, thanh niên lao động tập trung trong một tuần, khai hoang được 30 ha. 

Tỉnh đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn Đảng, toàn dân tu bổ và bảo vệ rừng, trồng rừng, chấm dứt nạn phá rừng”, tiến hành quy hoạch và trồng rừng theo quy mô lớn. Năm 1973, Chính phủ xác định Tuyên Quang nằm trong khu trung tâm gỗ giấy, sợi và giao nhiệm vụ cho Tuyên Quang trong 10 năm (1973 - 1982) phải trồng 142.000 ha rừng. Vùng kinh tế mới lâm nghiệp phía Bắc tỉnh hình thành khá rõ nét: Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang là địa bàn trọng yếu thực hiện việc tu bổ, khôi phục và trồng rừng nguyên liệu giấy. Tỉnh đã thành lập các lâm trường làm nòng cốt cho công tác trồng rừng. Trong 6 tháng đầu năm 1974, đã chuyển 18 hợp tác xã nông nghiệp (với 554 hộ xã viên, 3.443 nhân khẩu, 1.245 lao động) sang chuyên doanh nghề rừng. Tới năm 1974, toàn tỉnh có 8 lâm trường, 3 công ty lâm sản, trên 5.000 công nhân lâm nghiệp. Trong 3 năm (1973 - 1975), đã trồng được 10.310 ha rừng nguyên liệu giấy, sợi. 

Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp có điều kiện thuận lợi để phát triển, theo phương hướng “phục vụ và thúc đẩy nông - lâm nghiệp phát triển. Tập trung giải quyết những ngành, những cơ sở chủ yếu như điện lực, vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp và lâm nghiệp, sản xuất bột kẽm; các mặt hàng tiêu dùng như giấy, rượu, đồ gốm, chế biến lương thực, thực phẩm; sản lượng công nghiệp đạt 101,3% kế hoạch, tăng 7,2% so với năm 1973. So với kế hoạch năm 1974, các sản phẩm chủ yếu như điện tăng 40%, sửa chữa ô tô tăng 24%, giấy tăng 3,3%, bột kẽm tăng 2,58%, đồ gốm tăng 2,1%... Thủ công nghiệp hướng vào việc củng cố hợp tác xã và phát triển các ngành nghề chính. Năm 1974, tỉnh có 63 hợp tác xã và 5 tổ sản xuất thủ công nghiệp; giá trị tổng sản lượng vượt kế hoạch 2%. 

Năm 1974 - 1975, tỉnh hoàn thành một số công trình trọng điểm: Ngòi Là II, đường điện 10 KV và 0,4 KV, Trường Trung cấp Trồng trọt Sông Lô, Tổng kho Thương nghiệp, Trại lợn Hoàng Khai, Trại lúa Đồng Thắm, Rạp chiếu phim Tháng Tám; các xí nghiệp nước, giấy, gốm, lò kẽm 100 tấn/năm... Các tuyến đường giao thông được khôi phục, nâng cấp mặt đường, giao thông nông thôn tiếp tục được mở rộng. 

Năm học 1974 - 1975, có 61.226 học sinh phổ thông, nếu tính cả các ngành học khác thì có 88.876 học sinh (cứ hơn 4 người dân có 1 người đi học). Sự nghiệp giáo dục, đào tạo phát triển khá toàn diện. Các lớp học mẫu giáo, phổ thông, bổ túc văn hóa được mở rộng, đủ sức đón nhận con em các dân tộc vào học. Mạng lưới y tế vươn tới tất cả cơ sở; thực hiện đồng đều, toàn diện các hoạt động phòng chống bệnh; vận động nhân dân xây dựng các công trình vệ sinh, bảo vệ môi trường sống và công tác bảo vệ bà mẹ, trẻ em; triển khai cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch để ổn định và giảm dần tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Công tác thông tin, văn hóa văn nghệ đã phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Năm 1974, tỉnh có 540 đội văn nghệ quần chúng, 14 đội chiếu bóng lưu động; 4/6 huyện, thị triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống mới. Phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện thể lực phát triển rộng rãi.  

                                                                                                                        (CÒN NỮA)              
                                                                                                        Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục