Xin có mấy ý kiến dưới đây:
... không thấy sách sử nào ghi nhà Mạc xây thành ở Tuyên Quang.
Có những sự việc vì những lý do khác nhau mà sử sách không ghi. Đơn cử, việc tri châu Vị Long chỉ huy thổ binh tham gia chiến dịch đánh phá các căn cứ quân sự nhà Tống nhằm ngăn chặn hành động xâm lược Đại Việt không thấy ghi trong sách sử. Tuy nhiên sự kiện đó lại được ghi trên bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc ở Yên Nguyên.
Nhân bàn về tài liệu lịch sử, xin kể: Trong cuốn “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông”, cố giáo sư Hà Văn Tấn có hẳn một chương “Về các nguồn sử liệu”, dẫn những tài liệu chữ bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài như tiếng Ba Tư, tiếng Phạn... Nghiên cứu công phu như thế mới mong dựng lại phần nào sự thật lịch sử. Vậy chắc đâu tác giả bài báo đã đọc hết các tài liệu liên quan đến nhà Mạc, như tài liệu bằng chữ Nôm Tày chẳng hạn.
... trong hơn 60 năm tồn tại đó (1527 - 1592), nhà Mạc chưa bao giờ chiếm được đất Tuyên Quang.
Tác giả kể đã đọc nhiều sách, nhưng lại không biết rằng sau năm 1592, nhà Mạc rút lên cố thủ ở Cao Bằng tiếp tục chống đối nhà Lê - Trịnh đến năm 1677, tức là 85 năm nữa, (qua 5 đời vua Mạc là Mạc Toàn, Mạc Kính Chỉ, Mạc Kính Cung, Mạc Kính Khoan, Mạc Kính Vũ. Trong thời gian này cũng có lần nhà Mạc chiếm lại Thăng Long).
... Trấn sở đời Lê đóng ở đấy.
Có ba lý do phủ nhận điều này:
Một là, bị ràng buộc bởi ý thức hệ, các sử gia phong kiến luôn coi nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Tây Sơn là ngụy triều. Họ không thừa nhận bất cứ chính sách tiến bộ hoặc một di sản nào của ba triều đại ấy. Sử gia nhà Nguyễn không thể ghi triều đình của họ đóng trên thành lũy do “ngụy Mạc” để lại.
Hai là, trấn sở Tuyên Quang đời Lê ở Thúc Thủy (xã An Khang:
“... giữa niên hiệu Bảo Thái (Bảo Thái là niên hiệu của vua Lê Trang Tông dùng từ năm 1729 đến 1732) đặt nhà trạm. Từ xã Thúc Thủy là lỵ sở trấn Tuyên Quang trở lên đến khe Tham Thổ thuộc các xã Tụ Long, Phấn Vũ châu Vị Xuyên đường đi 40 ngày... ” (Lê Quý Đôn - Kiến văn tiểu lục).
Ba là, dẹp xong được nhà Mạc, tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh lại vướng vào cuộc chiến huynh đệ tương tàn với Chúa Nguyễn ở đàng trong kéo dài cả trăm năm, không đủ sức và cũng không cần đắp lũy ở Tuyên Quang làm gì.
Như đã viết ở bài trước, khẳng định lại rằng, nhà Mạc đắp thành ở Tuyên Quang khoảng sau năm 1592. Nhà Nguyễn xây thành trên nền thành đất do nhà Mạc đắp.
Gửi phản hồi
In bài viết