Khách hàng đến làm thủ tục vay vốn tại phiên giao dịch của Hội sở Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực, công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập vươn lên thoát nghèo và là kênh dẫn vốn quan trọng để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội ở địa phương...
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên), đây là mô hình đặc thù, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị - xã hội cùng chung sức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Đến 31-8, tổng dư nợ uỷ thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.556,6 tỷ đồng, chiếm 99,54% tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bằng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lâm Bình
có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội" đã có tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, chính quyền các cấp đã hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc và nguồn vốn; chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; thành lập tổ đôn đốc thu hồi nợ tại các xã, phường, thị trấn; tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhân rộng các mô hình, điển hình làm kinh tế từ vốn tín dụng chính sách.
Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 2.371 tổ tiết kiệm và vay vốn, tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua đó tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tích cực cho vay làm nhà ở với người thu nhập thấp.
Kênh giảm nghèo hiệu quả
Sau 20 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, từ 3 chương trình ban đầu với tổng dư nợ là 146,7 tỷ đồng đến nay, chi nhánh đang thực hiện 18 chương trình tín dụng ưu đãi theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình tín dụng đã được triển khai kịp thời, đúng quy định, tiền vốn được giải ngân trực tiếp đến đúng đối tượng thụ hưởng ngay tại điểm giao dịch, không qua cấp trung gian, trước sự chứng kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, của chính quyền địa phương và của nhân dân, đảm bảo nguyên tắc quản lý công khai, dân chủ. Nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời được nguyện vọng của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác cần có vốn vay sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, thay đổi cuộc sống.
Gia đình chị Tô Thị Dung, xóm 4, xã Quý Quân (Yên Sơn) trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, năm 2020 gia đình chị đã thoát nghèo và trở thành hộ khá. Chị Dung cho biết, năm 2018, chị được hội Liên hiệp Phụ nữ xã và tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền, chị đã vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Sơn để nuôi trâu và trồng rừng. Nhờ nguồn vốn đến nay, gia đình chị luôn duy trì đàn trâu 5 con và trồng gần 2 ha rừng keo, trừ chi phí gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng/năm và năm 2021 gia đình chị thoát nghèo, cuộc sống từng bước được cải thiện và nâng cao.
Năm 2018, gia đình anh Lý Văn Huyên, thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân (Hàm Yên) được Hội Nông dân xã bình xét, tín chấp cho vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 80 triệu đồng từ vốn vay hộ nghèo để nuôi trâu sinh sản. Đến cuối năm 2021, trâu đẻ 2 nghé con, vừa rồi gia đình anh bán 2 con trâu giống thu hơn 30 triệu đồng, từ đó gia đình anh có tiền xây dựng nhà mới, có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh kiểm tra phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi tại xã Xuân Vân (Yên Sơn).
Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đang tập trung triển khai cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng dư nợ đạt trên 112 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng đã giải ngân hỗ trợ vốn ưu đãi cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với 1.781 lượt lao động; cho vay nhà ở xã hội với 22 lượt khách hàng được vay vốn; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến với 369 lượt học sinh, sinh viên; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 với 9 lượt khách hàng…
Đồng chí Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh khẳng định, đạt được kết quả trên, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, chính quyền các cấp. Từ đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp ngân hàng hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thật sự trở thành “chìa khóa” cho người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Theo kết quả điều tra chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 23,45%/tổng số hộ và tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 7,85%/tổng số hộ.
Với những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết