Kiếm thủ Vũ Thành An (bên phải) thi đấu tại một giải quốc tế.
Mục tiêu không dễ thực hiện
Đội tuyển đấu kiếm Việt Nam từng nhiều năm giữ vị trí số 1 Đông Nam Á, nhưng với việc vận động viên ít được thi đấu cọ xát quốc tế do dịch Covid-19 và luôn trong tình trạng phải tập chay do thiếu dụng cụ, thiết bị tập luyện như hiện nay, thì để hoàn thành mục tiêu giành ít nhất 3 Huy chương vàng tại SEA Games 31 trên sân nhà thực sự là một thách thức không nhỏ, dù các vận động viên rất quyết tâm.
Nhìn lại thành tích các kỳ SEA Games trước, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đang thụt lùi so với chính mình. Chẳng hạn, ở SEA Games 28 - 2015 tại Singapore, đội tuyển giành tới 8 Huy chương vàng trong 12 nội dung thi đấu; thế nhưng, đến SEA Games 29 - 2017 tại Malaysia, đội chỉ giành 3 Huy chương vàng trong 6 nội dung thi đấu và ở SEA Games 30 - 2019 tại Philippines, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam cũng chỉ giành 4 Huy chương vàng ở nội dung cá nhân, đồng đội nội dung kiếm chém, kiếm 3 cạnh nam.
Phụ trách bộ môn Đấu kiếm (Tổng cục Thể dục - Thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phùng Lê Quang cho biết, môn đấu kiếm tại SEA Games 31 được dự báo là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Singapore, Việt Nam và Thái Lan. Sự chuẩn bị của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đang thua kém các đội bạn. Nếu như vận động viên đấu kiếm Singapore, Thái Lan được tham dự 8-10 giải đấu quốc tế trong một năm, thì các tuyển thủ Việt Nam lại chưa có nhiều cơ hội cọ xát quốc tế. Trong khi đó, hệ thống giải thi đấu quốc gia của đấu kiếm Việt Nam khá sơ sài, nếu không có dịch bệnh, thì mỗi năm chỉ có hai giải.
Theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn, do thời gian qua không được thi đấu quốc tế, cũng như thi đấu ở các giải đấu cấp độ quốc gia, khiến tâm lý vận động viên đấu kiếm bị ảnh hưởng nhiều. "Đây là điều mà chúng tôi rất lo lắng trước khi SEA Games 31 khởi tranh”, huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn bày tỏ.
Không những vậy, khó khăn bao năm nay của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam là thiếu trang thiết bị tập luyện. Bởi, kiếm nằm trong danh mục vũ khí thể thao, đòi hỏi những quy định khắt khe về nhập khẩu. "Nhiều đội đấu kiếm trong nước đang gặp phải tình trạng có tiền cũng không mua được thiết bị tập luyện do những quy định trên", huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn cho hay.
Tạo điều kiện tập luyện, thi đấu
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, song bộ môn đấu kiếm vẫn nỗ lực tìm giải pháp, tạo điều kiện cho các tuyển thủ tập luyện, thi đấu hoàn thành mục tiêu.
Theo huấn luyện viên trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn, ngay từ tháng 1-2022, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam gồm 28 vận động viên đã được tập trung tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội và Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để tập luyện. Tại SEA Games 31, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam sẽ tham gia tranh tài ở 12 nội dung (6 nội dung đồng đội, 6 nội dung cá nhân). Ban huấn luyện vẫn đặt niềm tin giành Huy chương vàng vào các tuyển thủ kỳ cựu như Vũ Thành An (sinh năm 1992). Ngoài ra, đội tuyển cũng kỳ vọng vào sự tỏa sáng của lứa vận động viên trẻ, như: Nguyễn Minh Quang (sinh năm 1997), Vũ Thị Hồng (sinh năm 1999), Phùng Thị Khánh Linh (2000)... Đội tuyển cũng hy vọng giành Huy chương vàng tại các nội dung cá nhân của nam kiếm chém và kiếm 3 cạnh.
Kiếm thủ Vũ Thành An chia sẻ: “Hiện tôi mới chỉ đạt được 70% phong độ sau chấn thương. Thời gian qua, dù không được ra nước ngoài thi đấu vì dịch Covid-19, nhưng tôi cùng đồng đội vẫn nỗ lực tập luyện, rèn thể lực. Tôi sẽ cố gắng thi đấu hết mình, phấn đấu đạt kết quả cao nhất tại SEA Games 31”.
Phụ trách bộ môn Đấu kiếm (Tổng cục Thể dục - Thể thao) Phùng Lê Quang thông tin, Tổng cục đang hoàn thiện các thủ tục để đưa đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đi tập huấn tại Hàn Quốc từ ngày 29-3 đến 30-4. Việc các vận động viên được thi đấu cọ xát với các vận động viên Hàn Quốc là cơ hội tốt để rèn luyện về chuyên môn, giúp các tuyển thủ nâng cao trình độ, lấy lại cảm giác thi đấu.
Còn Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho biết, Tổng cục sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị để mua đầy đủ trang thiết bị tập luyện và thi đấu trong thời gian sớm nhất. Tổng cục cũng nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài chính để tổ chức thêm giải đấu trong nước cũng như đưa vận động viên đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài; động viên, khen thưởng kịp thời để khích lệ tinh thần thi đấu của vận động viên.
Gửi phản hồi
In bài viết