Dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Mới đây, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã trả lời phỏng vấn báo chí nước này về chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tương lai quan hệ Trung Quốc-Việt Nam sau chuyến thăm có ý nghĩa dấu mốc lịch sử này.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Việt trong năm 2023. Chuyến thăm đã thành công to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, trở thành dấu mốc mới của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhận định, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Việt trong năm 2023. Chuyến thăm đã thành công to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, trở thành dấu mốc mới của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã điểm lại 3 kết quả của chuyến thăm: tầm cao mới trong quan hệ Trung-Việt; thành quả mới trong hợp tác thiết thực; chương mới của tình hữu nghị truyền thống.

Về quan hệ Trung-Việt trên tầm cao mới, ông Vương Nghị cho biết, năm 2017, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm nay kỷ niệm 15 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm lẫn nhau lần thứ ba giữa Tổng Bí thư hai Đảng, điều này thể hiện tình hữu nghị đặc biệt Trung-Việt và sự coi trọng cao độ của hai bên đối với quan hệ hai Đảng, hai nước.

Theo ông Vương Nghị, Cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Trung Quốc và Việt Nam có ý nghĩa chiến lược là quyết định lịch sử quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, là “thời khắc rực rỡ” của chuyến thăm lần này, là thành quả chính trị quan trọng nhất mà hai bên đạt được, là đỉnh cao và lựa chọn tất yếu của 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt.

Về thành quả mới trong hợp tác thiết thực, ông Vương Nghị cho rằng, tính bổ sung trong kinh tế giữa hai nước rất lớn, quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại song phương rất chặt chẽ. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Hiện hai nước đều đang ở trong giai đoạn quan trọng của cải cách, phát triển. Hai bên vừa có lợi thế và vừa có nhu cầu để tăng cường hợp tác cùng có lợi. Trong chuyến thăm lần này, hai bên đã ký hơn 30 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: sáng kiến “Vành đai và Con đường”, hợp tác phát triển, kinh tế số, phát triển xanh, giao thông-vận tải, kiểm dịch, hợp tác quốc phòng và an ninh, hợp tác trên biển... Điều này đã góp phần thúc đẩy quan hệ Trung-Việt phát triển hơn nữa về cả chiều rộng và chiều sâu.

Cũng theo ông Vương Nghị, mục tiêu "6 hơn”: tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn, hợp tác thực chất sâu sắc hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và bất đồng được kiểm soát tốt hơn mà Tổng Bí thư hai Đảng đã xác lập là định hướng để tăng cường toàn diện hợp tác song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại, an ninh, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, đồng thời xây dựng hình mẫu về cùng có lợi, cùng thắng, cùng phát triển.

Về chương mới của tình hữu nghị truyền thống, ông Vương Nghị cho biết, hai nước Trung-Việt núi liền núi, sông liền sông, có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, có rất nhiều câu chuyện hay về giao lưu hữu nghị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hoạt động cách mạng tại Trung Quốc trong thời gian dài. Câu thơ nổi tiếng của Người: "Mối tình thắm thiết Việt-Hoa/Vừa là đồng chí, vừa là anh em" vẫn được lưu truyền rộng rãi ở cả hai nước, trở thành hình tượng sinh động cho quan hệ Trung-Việt, cũng là tài sản quý giá nhất của nhân dân hai nước.

Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kế thừa, phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong tình hình mới.

Trong đó, hợp tác song phương phải tập trung hơn vào người dân, đặc biệt là tăng cường hợp tác giữa thanh niên và các địa phương giữa hai nước, tăng cường nhận thức của người dân hai nước về Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt, cũng như sự hiểu biết về tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước, không ngừng củng cố nền tảng xã hội cho tình hữu nghị Trung-Việt.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc tin tưởng rằng, dưới định hướng chiến lược của các nhà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, với sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân hai nước, tình hữu nghị Trung-Việt sẽ trường tồn với thời gian.

Ngoài ra, Bộ trưởng Vương Nghị cho rằng, truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm và đều cho rằng chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện sự coi trọng Việt Nam, đồng thời sẽ có những ảnh hưởng quan trọng và sâu rộng đối với tình hình khu vực và trên thế giới.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục